Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cổ truyền dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh cách nấu bánh chưng truyền thống, bánh chưng nếp nương Điện Biên trở thành một món ăn cháy hàng mỗi dịp Tết đến vì độ thơm ngon, nhiều thịt, độc lạ.
Cháy hàng dịp Tết
Chị Thy Trương (Phú Nhuận), chủ cửa hàng thực phẩm online, cho biết từng thử bán bánh chưng nếp nương Điện Biên và được nhiều người ủng hộ, nên năm nay chị lại tìm nguồn hàng để bán tiếp. Năm ngoái giá bánh khoảng 120.000 đồng/chiếc, năm nay tăng lên 140.000 đồng/chiếc.
"Mình đặt bánh từ cơ sở làm bánh ở Điện Biên, sau đó được đóng gói cẩn thận và vận chuyển vào TP.HCM. So với năm ngoái, bánh chưng năm nay vẫn giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng. Vì sợ sát Tết cháy hàng, mình đã giữ lại khoảng 10 chiếc để làm quà tặng và mời cả gia đình cùng thưởng thức", chị Thy Trương nói.
So với các loại bánh chưng, bánh tét khác, bánh chưng nếp nương Điện Biên được lòng thực khách vì độ dễ ăn, có thể lưu giữ được lâu mà không làm giảm đi hương vị thơm ngon. Năm nay, các cửa hàng thực phẩm online còn chuẩn bị thêm những hộp quà hoặc giỏ đan mây đựng bánh chưng, thích hợp làm quà biếu.
Hương vị đặc trưng
Chị Ngọc Trần (quận 7) chia sẻ đã quá ngán ăn bánh chưng, bánh tét mỗi dịp Tết đến, nên muốn thử những loại bánh chưng mới lạ như bánh chưng gù Hà Giang và bánh chưng nếp nương Điện Biên.
"Bánh chưng Điện Biên khá ngon, vỏ mềm, nhân đậu thơm bùi còn miếng thịt ba chỉ được thái dày, đầy đặn. Mình cảm giác có hương vị đặc trưng của các loại nguyên liệu, gia vị Tây Bắc trong miếng bánh chưng này", chị Ngọc Trần chia sẻ.
Ấn tượng đầu tiên khi cắt bánh chưng là vỏ bánh mềm mịn, có màu xanh bắt mắt. Bên trong nhân đỗ và thịt đầy đặn, hòa quyện với nhau trông rất ngon mắt. Khi ăn thử, phần nhân đỗ không quá ngọt, có vị thơm bùi. Nhưng "linh hồn" chiếc bánh chưng là phần thịt ba chỉ không hề bị khô, có độ mềm vừa phải, hòa quyện với vị tiêu cay đặc trưng vùng Tây Bắc.
Thực khách có thể an tâm về sức khỏe vì gạo không có phẩm màu, lá dong gói bánh được rửa sạch, phơi khô. Thịt lợn mán thơm ngon vì là lợn thả rông, nuôi từ 3 năm trở lên. Tuy nhiên chiếc bánh chưng khá to và nhiều nhân, nếu ăn nhiều sẽ có cảm giác ngấy.
"Mình từng đi du lịch vùng núi phía bắc và thưởng thức thịt trâu gác bếp, thịt lợn bản nướng, thắng cố... với hương vị khác lạ hẳn so với đồ hay ăn ở TP.HCM. Khi biết có loại bánh chưng Điện Biên, mình đã mua thử ngay. Bánh được giao trong vòng 3-4 ngày kể từ khi đặt hàng, nhưng khi ăn vỏ bánh vẫn giữ được độ mềm, không bị lại gạo. Nhân bánh khác bánh tét nên hương vị khá thú vị", Tùng Trương (Phú Nhuận) cho biết.
Chế biến cầu kỳ
Ngay từ khâu chuẩn bị, người làm bánh phải chọn loại gạo nếp nương Điện Biên chính hiệu. Hạt gạo căng mẩy, to dài khiến bánh dẻo mềm và có mùi thơm đượm đặc trưng. Màu xanh tự nhiên, đồng đều của gạo khi nấu chín được lấy từ nước cốt của lá riềng.
Phần nhân bánh bao gồm đỗ xanh và thịt ba chỉ như những loại bánh chưng khác, nhưng khâu nguyên liệu được chọn lựa kỹ càng.
Đỗ xanh được nấu chín, đem giã nhuyễn và trộn thêm gia vị, khi ăn có vị béo, bùi, màu vàng đượm đẹp mắt. Thịt ba chỉ làm nhân bánh lấy từ chính loại lợn mán được nuôi tại Điện Biên. Đây là giống lợn thả rông, không ăn cám heo, tốn thời gian chăn nuôi để làm thịt.
Khi gói bánh chưng không thể thiếu lá dong. Những người làm bánh chọn lá dong rừng có mùi thơm nhẹ, không quá non cũng không quá già. Khi gói không cần dùng khuôn nhưng vẫn đẹp mắt, chắc bánh, vuông vức.
Bánh chưng nếp nương Điện Biên được làm cẩn thận, tỉ mỉ ở từng khâu nên chất lượng, mùi vị bánh được nhiều thực khách ưa thích.