Chưa dám sinh con vì giá cả leo thang
Cắt giảm chi tiêu là việc đầu tiền anh Minh nghĩ tới sau khi giá xăng tăng cao - lên trên 31.000 đồng/lít. Chiếc xe máy Honda anh hay dùng để di chuyển, từ lúc xăng tăng giá cũng ngốn của anh Minh thêm kha khá tiền mỗi tháng.
Vợ anh Minh luôn miệng than vãn, nào là giá gạo, giá dầu ăn tăng; bánh sữa, mắm muối mì chính cái gì cũng tăng… “Tiền lương vẫn thế, mà cái gì cũng tăng 20% tới 30% - không biết tháng sau thu xếp sao đây?”.
Hai vợ chồng anh Minh từ Phú Thọ xuống Hà Nội làm việc trong khu công nghiệp Hanel (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội). Bước sang năm 2022, chưa kịp vui mừng vì được đi làm trở lại sau một thời gian dài phải nghỉ làm vì dịch bệnh; vợ chồng anh Minh lại thêm nỗi lo xăng tăng, tiếp đến các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt… cũng tăng lên từng ngày. Trong khi thu nhập của 2 vợ chồng, tính cả tăng ca, mới được 15 triệu đồng. Chi tiền thuê nhà, điện, nước đã hết 1/3 tiền lương.
Lấy nhau hơn năm nay, hai bên gia đình đang giục sinh em bé, song vợ chồng anh Minh vẫn chần chừ: “Thêm tiền mua sữa cho con là vừa hết lương. Lúc con ốm con đau, biết trông cậy vào đâu” – vợ anh Minh ái ngại.
Lao đao trước cơn “bão giá”, hai tuần gần đây, vợ chồng anh Minh cắt giảm tối đa việc di chuyển bằng xe máy; bạn bè gặp nhau cũng mua đồ về nấu ăn chứ không ra quán như trước; trong sinh hoạt hàng ngày, việc sử dụng điện nước cũng được 2 người nhắc nhau ý thức hơn…
Giảm chi phí xăng xe bằng cách… thay đổi phương tiện di chuyển
Ngay cạnh phòng trọ của anh Minh, cậu sinh viên trường Đại học Nông nghiệp năm thứ nhất tên Tú đã không đi xe máy mà mua vé xe buýt để đi học từ khi xăng tăng giá. “Cũng đỡ được 1 chút tiền xăng và tiền gửi xe chị ạ” – Tú chia sẻ với tôi trong lúc vội vàng úp bát mì tôm ăn lót dạ trước khi tới trường.
Anh bạn cùng phòng với Tú cũng quyết định chuyển sang đi xe đạp đi làm, với suy nghĩ “vừa không phải mua xăng, vừa tốt cho sức khỏe”.
Theo như Tú kể thì, cả tiền bố mẹ cho và tiền Tú đi dạy thêm là em có 4,5 triệu đồng/tháng. Tháng 4, tháng 5 vừa rồi, giá cả tăng cao mà Tú chưa biết cắt giảm chi tiêu hợp lý, nên mấy ngày cuối tháng, em và anh bạn cũng phòng phải ăn mì tôm qua bữa…
Cắt giảm chi tiêu , thoạt nghe ngỡ chỉ với người lao động có thu nhập thấp, nhưng thực tế, nhiều người có điều kiện cũng đã mách nhau các hình thức để cắt giảm chi tiêu khi việc xăng tăng giá xem ra còn kéo dài.
Chuyện gia đình nhà anh Tuấn, chị Loan (Đông Anh, Hà Nội) là một ví dụ: Mặc dù thu nhập của vợ chồng anh Tuấn được hơn 40 triệu đồng/tháng, nhưng thay vì đi ô tô đi làm, anh Tuấn chuyển sang đi xe buýt hơn tháng nay. Mỗi tháng vé xe buýt hết 200.000 đồng/vé, trong khi nếu đi ô tô thì riêng tiền đổ xăng đã là 1.600.00 đồng, chưa tính tiền gửi xe.
“Đi xe buýt mấy hôm mới hay, cũng khá nhiều người chuyển từ đi xe riêng sang đi xe buýt. Đi xe buýt vất vả, đông đúc hơn nhưng đi ô tô lúc giá xăng ngất ngưởng như thế này cũng khá căng. “Bão giá” thực sự đã gõ cửa mọi gia đình” – anh Tuấn chia sẻ.
Tránh xa “cám dỗ” từ các trang bán hàng online
Không chỉ ủng hộ việc anh Tuấn đi xe buýt đi làm, chị Loan vợ anh còn chủ động chặn các trang bán hàng online trên facebook để không bị “cám dỗ” và khẳng định đây cũng là cách cắt giảm chi tiêu khá hiệu quả.
Theo chị Loan thì, trong lúc các mặt hàng thực phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày tăng giá; thì nhiều mặt hàng tiêu dùng như: quần áo, đồ trang trí, hóa mỹ phẩm lại thi nhau khuyến mại giảm giá. Chỉ một phút “mềm lòng” là rước về nhà đủ thứ, đến lúc thanh toán mới xót ruột.
“Trước kia cứ xem livestream, thấy họ quảng cáo hay hay là mua, nhiều khi về không dùng đến. Nay mọi thứ chi tiêu đắt đỏ, phải hãm chuyện mua sắm không cần thiết lại. Duy nhất chỉ có việc học hành, ăn uống của con cái là cố gắng duy trì chứ không cắt giảm” – chị Loan cho hay.
Cũng theo chị Loan, chị còn kê sẵn những thứ cần mua trước khi đi siêu thị để tránh trường hợp mua cả những món chưa thực sự cần thiết. “Trước kia tôi hầu như không làm cách này, nhưng sau một vài lần thì thấy đây thực sự là một cách cắt giảm chi tiêu khá hiệu quả”.
Để hỗ trợ chị em quyết tâm cắt giảm chi tiêu, gần đây, trên các hội nhóm mạng xã hội cũng xuất hiện ngày càng nhiều các bài viết hướng dẫn cách cắt giảm chi tiêu khác nhau như: Cắt giảm chi tiêu theo phương pháp Kakeibo của Nhật; loại bỏ các thẻ mua sắm không; thanh toán online để nhận khuyến mãi; lập kế hoạch chi tiêu trên Excel….
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng “vung tay quá trán”, có rất nhiều app quản lý chi tiêu tiện lợi, dễ sử dụng mà các gia đình trẻ sử dụng điện thoại thông minh có thể áp dụng như: Money Lover, Sổ thu chi Misa, Mint, HomeBudget….
Thực tế, rất nhiều người thường hay ngẫu hứng khi mua sắm, sẵn sàng “xuống tay” với bất kỳ món đồ yêu thích. Tuy nhiên, với tình hình giá cả hàng hóa tăng cao như hiện nay, chủ động lựa chọn cắt giảm chi tiêu sẽ là một giải pháp hay – không chỉ mang tính tình thế - mà về lâu dài còn hình thành cho mỗi người ý thức và tư duy quản lý tài chính hiệu quả.
Tục ngữ Nam Tư có câu “Cái túi càng nhẹ đi bao nhiêu thì nỗi buồn càng nặng bấy nhiêu” – xem ra cắt giảm chi tiêu chính là cách để nỗi buồn của mỗi người nhẹ bớt khi “bão giá” quét qua…