Theo Swiss Re Institute, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm của Việt Nam vẫn ở mức thấp với năm 2021 là 2,3% GDP, trong đó thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) là 1,6% và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) là 0,7%, thấp hơn so với các thị trường mới nổi và cách xa mức 9,6% tại các thị trường phát triển.
Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2025, Việt Nam đạt mục tiêu 15% dân số tham gia BHNT (năm 2020 là 11%). Điều này cũng có nghĩa dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm khá rộng. Hơn thế, trong bối cảnh lo ngại lạm phát cao, cổ phiếu bảo hiểm được xem là một kênh đầu tư "tránh bão".
Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đến hết tháng 4/2022, tổng phí bảo hiểm ước tính khoảng 74.036 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phí BHNT tăng 14,5% đạt 51.782 tỷ đồng; BHPNT cũng ghi nhận mức tăng 13% và đạt 22.254 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng phí BHNT 4 tháng đầu năm chỉ 14,5% là khá thấp nếu so với tốc độ tăng trưởng trên 20% trong năm 2020 và 2021. Đà tăng trưởng phí BHNT chững lại được các chuyên gia đánh giá là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng tốc độ tăng hiện tại chỉ chậm hơn so với các kỳ trước và chúng tôi chưa nhận thấy dấu hiệu tiêu cực nào đối với triển vọng dài hạn của ngành”, CTCK KIS phân tích.
Động lực tăng trưởng doanh thu BHNT đang nằm ở hợp đồng tái tục. Ba sản phẩm chính có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu phí bảo hiểm vẫn là bảo hiểm liên kết chung (52,6%), bảo hiểm liên kết đơn vị (19,2%) và bảo hiểm hỗn hợp (16,8%).
Trái lại, mảng BHPNT lại duy trì được tăng trưởng tích cực với tốc độ tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm là 13%, cao hơn nhiều so với năm 2020 và 2021 lần lượt là 6,2% và 3,98%. Động lực chính đến từ các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn như bảo hiểm sức khỏe (31% cơ cấu doanh thu) tăng 17,9%, bảo hiểm xe cơ giới (28,1% cơ cấu doanh thu) tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tổn thất đến thời điểm hiện tại là 26,7%.
Cơ cấu dân số vàng của Việt Nam với khoảng 56 triệu người đang tham gia thị trường lao động và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đang thúc đẩy các sản phẩm BHPNT và BHNT. Cùng với đó là mảng thị phần BHPNT đầy tiềm năng từ khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ/siêu nhỏ.
Các chuyên gia dự báo thị trường BHPNT hồi phục tăng trưởng trong năm 2022 từ 22-25%. Thị trường BHNT dự báo duy trì tăng trưởng 8-10% trong năm 2022 trong đó bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân được dự báo là động lực tăng trưởng chính khi đại dịch diễn ra đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về các mối quan tâm sức khỏe và tử vong. Bảo hiểm xe cơ giới dự báo phục hồi nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ giúp sức tiêu thụ ô tô tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2022.
Kênh bancassurance tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm.
Bức tranh hoạt động của các công ty bảo hiểm trong quý I/2022 cũng đang phản ánh xu thế này. Như Tập đoàn Bảo Việt (BVH) với việc hoàn thiện hệ sinh thái số và vị thế dẫn đầu trong cả BHNT và BHPNT, tổng doanh thu hợp nhất quý I/2022 của BVH đạt 13.158 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 501 tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất tại 31/3/2022 cán mốc 8 tỷ USD, đạt 183.778 tỷ đồng, tăng 8,4% so với thời điểm 31/12/2021.
Hay như Công ty bảo hiểm BIDV (BIC), mặc dù lợi nhuận ròng giảm 6% trong quý I/2022, còn gần 74 tỷ đồng, song nguyên nhân giảm là do lãi kinh doanh chứng khoán giảm 75% so với cùng kỳ. Còn ở mảng kinh doanh bảo hiểm, doanh thu thuần vẫn đạt gần 571 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước giúp lãi gộp tăng 24%, đạt hơn 144 tỷ đồng.
Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (BLI) mặc dù doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 271 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do hoa hồng nhượng tái bảo hiểm giảm 12%. Tuy nhiên với hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính đều tăng mạnh, lãi ròng của BLI đạt hơn 128 tỷ đồng, gấp 3,1 lần cùng kỳ 2021 và vượt 102% mục tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm 2022.
CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng ghi nhận doanh thu bảo hiểm gốc tăng 40% đạt 1247 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 85 tỷ đồng, tăng trưởng 82% so cùng kỳ. Đây là tiền đề để MIC thực hiện mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 40% doanh thu và 35% lợi nhuận cùng với chiến lược khai thác sâu bancassurance trong năm 2022.
Báo cáo Đầu tư cổ phiếu khi lạm phát cao mà CTCK Agribank vừa công bố đã thêm một minh chứng cho nhiều phân tích của các chuyên gia trước đây khi chỉ ra trong môi trường lạm phát tăng cao, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm thường khởi sắc hơn. Nguyên nhân là do lạm phát làm tăng rủi ro cho các hoạt động kinh tế khiến nhu cầu về bảo hiểm lại tăng lên. Tỷ trọng tiền mặt và tiền gửi cao của các doanh nghiệp bảo hiểm giúp các doanh nghiệp này được hưởng lợi trong môi trường lạm phát cao.
Đáng chú ý, với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như BVH, lãi suất kỹ thuật (lãi suất trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn trên 10 năm) tăng khiến tỷ lệ trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng ký mới giảm và qua đó phần nào giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.