Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê ghi nhận năm 2023, thị trường bảo hiểm đã đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt sau giai đoạn nhiều biến động liên quan các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên kết với ngân hàng.
Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý IV ước giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ ba liên tiếp doanh thu phí bảo hiểm ghi nhận tăng trưởng âm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ giảm 17%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%.
Tính chung năm 2023, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 227.100 tỷ đồng, giảm 8,3% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt gần 156.000 tỷ đồng, giảm 12,5%, bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71.100 tỷ đồng, tăng 2,4%.
Trước đó, trong giai đoạn 2016-2022, doanh thu phí bảo hiểm đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng 11-26%. Trong đó, mảng bảo hiểm nhân thọ có mức tăng trưởng mạnh 13-35%.
Tính đến ngày 30/11, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Ngoài ra, thị trường còn 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm hiện ước đạt 913.336 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 762.580 tỷ, tăng 12,8% và tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 190.227 tỷ đồng, tăng 7,1%.
Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tăng cường sự minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm.
Đồng thời, Bộ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng tới quản lý, giám sát bảo hiểm dựa trên cơ sở quản trị rủi ro; tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan liên quan trong phát triển. Một giải pháp quan trọng được đặt ra là tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm.