Theo đó, tại Quyết định số 2358/QĐ-BHXH phê duyệt Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phiên bản 2.0, nội dung cập nhật, bổ sung chính so với phiên bản 1.0 gồm: Cập nhật các nội dung về định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành, các mục tiêu/định hướng phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2020-2025.
Cập nhật các nội dung kiến trúc thành phần bảo đảm phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 trên cơ sở các mô hình tham chiếu được quy định trong khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0.
Ngoài ra, cập nhật các nội dung về cơ chế chính sách, các tiêu chuẩn kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin; danh sách các nhiệm vụ và lộ trình triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, phiên bản 2.0.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, với những bổ sung, cập nhật đó, Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phiên bản 2.0 được xây dựng nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng chính phủ điện tử tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và làm cơ sở tham chiếu cho kiến trúc công nghệ thông tin của bảo hiểm xã hội các địa phương; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước của ngành, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, xây dựng chính phủ điện tử của ngành, hướng tới bảo hiểm xã hội số, chính phủ số và nền kinh tế số.
Về mục đích cụ thể, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phiên bản 2.0 nhằm: Xác định bản quy hoạch tổng thể về ứng dụng công nghệ thông của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong đó có các thành phần và mối quan hệ giữa các thành phần, gắn liền ứng dụng công nghệ thông tin với các hoạt động nghiệp vụ.
Đồng thời, định hướng và triển khai tin học hóa quy trình nghiệp vụ trong Bảo hiểm Xã hội Việt Nam một cách có hệ thống và thực thi chương trình cải cách thủ tục hành chính nghiệp vụ hành chính theo hướng công khai, minh bạch để thực hiện hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; định hình mô hình kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu, tái cấu trúc cơ sở hạ tầng thông tin; là cơ sở xác định các thành phần, hệ thống công nghệ thông tin cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm triển khai chính phủ điện tử tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…
Hiện, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giao các đơn vị thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tuân thủ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phát triển chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng theo kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phiên bản 2.0, định kỳ hàng năm gửi báo cáo kết quả các nhiệm vụ được giao về Trung tâm Công nghệ thông tin để tổng hợp trình Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.