Trước đó, từng có nhiều lo ngại rằng cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên do chiến sự Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sẽ gây ra tình trạng mất điện và gây thêm áp lực lên hóa đơn tiền điện.
Tuy nhiên, dự báo tại khu vực châu Âu cho thấy nhiệt độ của lục địa này sẽ cao hơn mức trung bình của mùa đông trong hai tuần đầu tháng 1, và tương tự đối với Mỹ. Trung Quốc, nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, cũng được dự đoán sẽ không quá lạnh trong hai tuần tới và nhiệt độ tại Tokyo cũng sẽ tăng vào khoảng giữa tháng 1.
Giá các hợp đồng khí đốt tương lai đang giảm mạnh do mức tiêu thụ nhiên liệu giảm và triển vọng yếu hơn. Giá khí đốt châu Âu giảm trong ngày thứ 3 tuần trước (3/1), một ngày sau khi mức giá chạm mức thấp nhất kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ. Còn tại Mỹ, mức giá khí đốt tiêu chuẩn đã giảm tới 11% trong ngày 3/1.
Dựa trên những dữ kiện nói trên, Fortune đánh giá rằng "ván cược năng lượng của Nga" đã không đem lại kết quả như Moskva mong đợi.
Ông Abhishek Rohatgi, nhà phân tích của hãng nghiên cứu BloombergNEF có trụ sở tại Singapore, cho biết: "Nguy cơ thị trường khủng hoảng mà nhiều người lo ngại trước khi bước vào mùa đông hiện có vẻ thấp."
Theo ông Rohatgi, châu Âu đã nỗ lực dự trữ năng lượng, trong khi thời tiết ôn hòa hơn ở khu vực Bắc Á đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ ít phải cạnh tranh hơn đối với các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Sau khi Nga bắt đầu cái họ gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine khiến nguồn cung năng lượng bị gián đoạn và nhu cầu về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên toàn cầu tăng cao đã khiến các chính phủ và công ty đã chuẩn bị tinh thần đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt.
Giá khí đốt và than đá đã tăng kỷ lục khi các nhà nhập khẩu đổ xô dự trữ nhiên liệu cho mùa đông, thời điểm mức tiêu thụ năng lượng đạt đỉnh điểm.
Nhờ những nỗ lực dự trữ năng lượng, những quốc gia sử dụng nhiều khí đốt nhất hiện đang có thể tạm thời "thở phào".
Thực tế, nhờ thời tiết ấm hơn và ít hoạt động hơn trong dịp lễ, Đức đã có thể bổ sung thêm khí đốt vào kho dự trữ của mình vào cuối tháng 12/2022. Hiện Đức đã trữ đầy 90% các kho dự trữ khí đốt của mình, sau khi mức dự trữ giảm xuống 87% trước dịp Giáng sinh.
Các kho dự trữ khí đốt trên khắp châu Âu đã đầy 84%, cao hơn nhiều so với định mức thông thường là 70% trong 5 năm qua, theo Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu.
Ngoài thời tiết ấm áp, các hệ thống năng lượng của khu vực châu Âu cũng hưởng lợi nhờ gió mạnh.
Tình trạng nhu cầu suy giảm trong những tháng gần đây đã giúp cân bằng thị trường khí đốt. Một số người tiêu dùng công nghiệp ở châu Âu đã giảm hoặc tạm dừng sản xuất vì họ không muốn trả giá cao, trong khi các quốc gia mới nổi như Pakistan và Bangladesh ngừng nhập khẩu LNG vì họ không còn đủ khả năng chi trả.
Một số ý kiến dự đoán rằng nhu cầu khí đốt ở Trung Quốc có thể cũng sẽ thấp hơn trong vài tháng tới, khi số ca nhiễm COVID-19 của nước này tăng.
Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro về những đợt thời tiết khắc nghiệt bất ngờ trong tương lai. Chẳng hạn, đợt lạnh kéo dài vào cuối mùa đông có thể làm cạn kiệt kho khí đốt và đẩy giá nhiên liệu lên cao hơn.
Các công ty tiện ích sẽ cần bắt đầu lập kế hoạch sớm để tránh tình trạng thiếu hụt khí đốt trở lại vào mùa đông năm 2024, khi châu Âu làm quen với việc không còn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.