Bộ Tài chính mới đây cho biết đã gửi dự thảo Kế hoạch giám sát tài chính năm 2023 đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn Nhà nước do Bộ đại diện tới cơ quan quản lý để lấy ý kiến.
Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến thực hiện giám sát tài chính đối với 5 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC); Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX); Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC); Công ty TNHH Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott); và Tập đoàn Bảo Việt (BVH).
Với riêng Bảo Việt, Bộ Tài chính thực hiện giám sát gián tiếp các nội dung sau:
Việc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm: Hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động, Tình hình quản lý tài sản, quản lý nợ tại doanh nghiệp, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu. Tình hình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp; Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gồm: Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước; Việc thực hiện thu cổ tức được chia từ doanh nghiệp.
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào chứng khoán - Bị lỗ
Báo cáo tài chính được kiểm toán quý 1/2023 của Bảo Việt ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 546 tỷ đồng tăng 36 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 chủ yếu do khoản lãi từ hoạt động gửi tiền lấy lãi.
Tổng cộng nguồn vốn của Bảo Việt tính tới cuối quý 1/2023 là 220.461 tỷ đồng, tăng so với con số của năm ngoái chủ yếu do tăng nợ ngắn hạn và dài hạn.
Nợ phải trả 198.653 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 9,1 lần. Tính đến 31/3/2023, tổng tài sản đạt 220.461 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối năm trước.
Mặc dù ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng nhưng Tập đoàn Bảo Việt cũng ghi nhận thua lỗ ở một số nghiệp vụ kinh doanh chính.
Cụ thể, với nghiệp vụ chính là bảo hiểm, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm ghi nhận 9.846 tỷ đồng, chi phí bồi thường bảo hiểm và đáo hạn tăng cao lên 4.323 tỷ đồng. Tăng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc, chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm tăng cao, dẫn đến tổng chi bảo hiểm lên tới 9.957 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí trực tiếp kinh doanh bảo hiểm, Bảo Việt ghi nhận lỗ 111,3 tỷ đồng ở nghiệp vụ chính trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi.
Quý 1/2023, Bảo Việt ghi nhận lãi từ 2.494 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư tài chính chủ yếu là lãi tiền gửi, tuy nhiên, với mảng chứng khoán và góp vốn vào công ty khác, doanh nghiệp này đang nhận về trái đắng.
Theo đó, Bảo Việt hiện đang đầu tư 2.418 tỷ đồng mua cổ phiếu niêm yết và 79 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết. Danh mục đầu tư của Bảo Việt gồm Danh mục cổ phiếu đầu tư của Bảo Việt gồm các mã như VNM, CTG, VNR và các cổ phiếu niêm yết khác; ngoài ra còn số cổ phiếu chưa niêm yết như MBLand, Thủy sản Cà Mau....
Hiện tại số đầu tư chứng khoán này đang ghi nhận tạm lỗ khoảng 208 tỷ đồng tính theo giá trị sau trích lập dự phòng. Riêng danh mục cổ phiếu không được thuyết minh chi tiết lỗ lên tới 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bảo Việt hiện đang đầu tư góp vốn vào hàng loạt công ty khác gồm Công ty CP Tập đoàn SSG, Tập đoàn Công nghệ CMC, Nhiệt điện Hải Phòng, Dự án Tháp Tài chính Quốc tế.
Riêng với khoản đầu tư tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Bảo Việt đang ghi nhận tạm lỗ 12 tỷ đồng. Với hàng loạt khoản góp vốn vào doanh nghiệp khác không được thuyết minh chi tiết tạm lỗ 48 tỷ đồng. Hiện, công ty đang phải trích lập dự phòng hơn 60 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, đến hết quý 1/2023, Bảo Việt còn ôm khoảng 11.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, 1.224 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn và hơn 9.900 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Ngoại trừ 50 tỷ đồng trái phiếu của Vietinbank trong danh mục đầu tư, một số khoản đầu tư trái phiếu của Bảo Việt gặp nhiều rủi ro.
Trong các năm từ 2007-2010, Bảo Việt mua các trái phiếu của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (VNS) nhưng do tình hình khó khăn, VNS đã không chi trả lãi hàng kỳ của trái phiếu. Tập đoàn đã khởi kiện VNS lên Tòa án nhân dân quận và đang được thực hiện xét xử theo quy định.
Chưa thu hồi được tiền gửi và lãi tại ALC và VFC
Bảo Việt đang có 110.446 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và 16.000 tỷ đồng tiền gửi dài hạn. Trong số tiền gửi ngắn hạn bao gồm cả khoản gửi tại Công ty cho thuê tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam ALCII.
Trong các năm từ 2007-2009, Bảo Việt và công ty con gửi tiền tại ALCII. Tuy nhiên, từ 2009, ALCII đã không chi trả gốc và lãi vay, Tập đoàn đã khởi kiện ra tòa. Tòa án Nhân dân Tp.HCM đã tuyên án ALCII phải thanh toán tiền nợ gồm 326 tỷ đồng nợ gốc tiền gửi và 53 tỷ đồng tiền lãi, 421 tỷ đồng nợ lãi quá hạn. Hiện tại ALCII đã phá sản, Bảo Việt vẫn đang phối hợp với các bên liên quan để thu hồi công nợ.
Ngoài ra, Bảo Việt còn ký hợp đồng tiền gửi với Công ty Tài chính Công nghiệp Tàu Thủy (VFC) nhưng VFC cũng không trả gốc tiền gửi đến hạn. Tòa án nhân các cấp đã buộc VFC phải thanh toán gốc lẫn lãi của hợp đồng tiền gửi. Tuy nhiên, con số này thu hồi được hay chưa không thấy Bảo Việt nhắc đến.
Tập đoàn Bảo Việt (BVH) được biết đến là một tập đoàn bảo hiểm, hiện đang cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính như bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư, môi giới, quản lý quỹ, bất động sản…
Năm 2017, lợi nhuận của Bảo Việt đạt hơn 1.600 tỷ đồng song lại giảm sâu vào những năm tiếp theo. Đến năm 2021, khi rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, công ty lại báo lãi tăng trưởng với lợi nhuận lên đến 2.000 tỷ đồng.
Năm 2022 vừa qua, Bảo Việt đạt đỉnh về doanh thu với gần 40.700 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại sụt giảm 19,4%, xuống còn 1.626 tỷ đồng.