Trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mạnh tay nâng lãi suất trong tháng 6 và tháng 7, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ ngân hàng trung ương Mỹ đưa ra những chính sách sai lầm.
Đầu năm 2022, lạm phát bắt đầu xuất hiện. Nhưng Chủ tịch FED Jerome Powell liên tục nhấn mạnh rằng lạm phát chỉ là nhất thời và không vội thắt chặt chính sách. Đến nay, giá tiêu dùng tăng kỷ lục, buộc FED phải gấp rút hành động bất chấp nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu.
"FED có thể giảm tốc độ nâng lãi suất vào cuối năm nay. Nhưng ở thời điểm hiện tại, cơ quan này vẫn phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách mạnh tay", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Americas Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.
Bất chấp nguy cơ suy thoái
"Không rõ FED sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm hay 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Đây vẫn là một dấu hỏi lớn trước khi báo cáo lạm phát tiếp theo được đưa ra", ông nói thêm.
Theo ông, lạm phát đã trở thành vấn đề lớn của nền kinh tế và đẩy FED vào tình thế khó khăn. "Họ sẽ phải đưa ra một quyết định không dễ dàng. Đó là thắt chặt chính sách đến khi nào là đủ", vị chuyên gia lập luận.
"Ngày càng nhiều người cho rằng FED buộc phải đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái để kìm hãm lạm phát", ông Moya khẳng định.
Ngày càng nhiều người cho rằng FED buộc phải đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái để kìm hãm lạm phát
Ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Americas Oanda (có trụ sở ở Mỹ)
Trên thực tế, theo một định nghĩa được chấp nhận rộng rãi, Mỹ đã chính thức rơi vào suy thoái kinh tế khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm liên tục trong 2 quý.
Cụ thể, theo số liệu được Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố hôm 28/7, trong quý II, GDP của Mỹ giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, sau khi lao dốc 1,6% vào quý I. Như vậy, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã ghi nhận 2 quý giảm liên tiếp.
Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia Mỹ (NBER) vẫn chưa công bố một cuộc suy thoái kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, giới quan sát tin rằng nền kinh tế hàng đầu thế giới đã cận kề suy thoái.
Theo CNBC, Phố Wall cho rằng một cuộc suy thoái sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc năm 2023. "Hoạt động kinh tế có thể tiếp tục đi xuống cho đến khi FED ngừng thắt chặt chính sách", ông Moya nhận định.
"Thị trường chứng khoán đi lên sau khi FED tuyên bố nâng lãi suất trong tháng 7. Nhưng dường như đó chỉ là đợt phục hồi ngắn hạn trong một thị trường suy yếu", vị chuyên gia Mỹ bình luận.
Hôm 27/7, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - đã tăng lãi suất cho vay cơ bản lên mức 2,25-2,5%. Đây là lần tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm thứ 2 liên tiếp và lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm nay.
Hiệu ứng dây chuyền
Nói với Zing, ông cho rằng việc FED mạnh tay nâng lãi suất còn gây ra những tác động lan tỏa trên toàn cầu.
Theo ông, lãi suất tại Mỹ tăng cao là động lực chính cho sức mạnh của đồng USD. Thêm vào đó, trong thời kỳ bất ổn, giới đầu tư sẽ đổ tiền vào đồng bạc xanh như một kênh trú ẩn an toàn.
"Một số yếu tố thúc đẩy đồng USD, nhưng động lực chính của đà tăng là lạm phát tại Mỹ và những động thái tiếp theo của FED. Hiện tại, lạm phát là trung tâm của vấn đề. Bởi nó buộc FED phải hành động quyết liệt hơn", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - trả lời Zing.
"Xu hướng tăng có thể kéo dài vì tâm lý e ngại rủi ro vẫn bao trùm thị trường", vị chuyên gia nói thêm.
Đà tăng của đồng bạc xanh có thể cản trở sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu và giáng đòn vào các quốc gia có khoản vay bằng đồng USD, nhất là những nước nghèo.
"Đà tăng của đồng bạc xanh sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho các thị trường mới nổi", ông Moya bình luận. "Khi USD tăng giá, đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cũng bị cản trở", ông nói thêm.
Đối tượng chịu tác động nghiêm trọng nhất sẽ là những quốc gia có các khoản vay bằng đồng USD chiếm phần lớn GDP. Với những nước như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, bom nợ USD trở thành gánh nặng khi đồng nội tệ đang mất giá nhanh.
Đáng nói, lãi suất của các khoản vay mới cũng đang tăng mạnh. Một số nước như Sri Lanka đã mất khả năng thanh toán.
Ngoài ra, việc FED nâng lãi suất cũng sẽ tạo dư địa cho những ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu như Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh làm theo.