Theo SCMP, chip memristor tích hợp hệ thống đầy đủ đầu tiên trên thế giới đã được một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) phát triển thành công.
Loại chip này không chỉ có thể giúp trí tuệ nhân tạo (AI) thông minh hơn mà còn tiết kiệm thời gian và năng lượng gấp tới 75 lần so với các loại thiết bị được thiết kế để xử lý ngôn ngữ dựa trên AI.
Memristor là công nghệ lưu trữ không bay hơi năng lượng thấp có thể mô phỏng một số đặc điểm cơ bản của tế bào thần kinh. Các nhà nghiên cứu cho biết thiết bị có thể cho phép phát triển AI có khả năng học tập giống con người hơn và xa hơn là giúp ích cho hoạt động của các thiết bị thông minh và xe tự lái.
Thiết bị tiên tiến này được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu tăng hiệu quả tính toán trong kỷ nguyên AI. Bên cạnh đó, theo chia sẻ của một nhà nghiên cứu trong nhóm, con chip còn có thể bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của người dùng hiệu quả hơn.
Đây là tiến bộ mới nhất trong một loạt cải tiến về chất bán dẫn của Trung Quốc sau khi các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu do Mỹ áp đặt hạn chế việc cung cấp chip và thiết bị sản xuất chip cho quốc gia này.
Theo các nhà nghiên cứu, chip memristor mới của Trung Quốc là một bước tiến đáng kể trong việc phát triển công nghệ memristor. Để đào tạo mạng lưới thần kinh nhân tạo, mô phỏng cách tế bào thần kinh của con người truyền dữ liệu trong não, phần cứng thông thường đòi hỏi rất nhiều năng lượng và thời gian để chuyển dữ liệu giữa các đơn vị tính toán và bộ nhớ.
Điện toán dựa trên memristor có thể giảm năng lượng cần thiết cho một tác vụ bằng cách cho phép quá trình học tập diễn ra trên chip mà không cần nguồn bộ nhớ ngoài. Các nhà nghiên cứu cho biết khả năng học của loại chip này được thể hiện thông qua nhiều tác vụ, bao gồm phân loại hình ảnh, điều khiển chuyển động và nhận dạng âm thanh.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức trong việc nghiên cứu và phát triển những con chip như vậy, đặc biệt là chế tạo những con chip để tích hợp quy mô lớn.
Wu Huaqiang và Gao Bin, hai giáo sư tại Tsinghua và trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ với Science Times: “Nghiên cứu này là một bước quan trọng hướng tới những con chip tương lai có hiệu suất năng lượng cao và khả năng học hỏi sâu rộng. Chúng tôi hy vọng thiết bị của mình sẽ đẩy nhanh sự phát triển của những thiết bị thông minh tương tự trong tương lai”.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã triển khai các chính sách thuận lợi trong lĩnh vực bán dẫn, bao gồm giảm thuế và hỗ trợ tài chính để đẩy nhanh sự phát triển của ngành này và củng cố khả năng tự lực trong đổi mới chip cũng như tiến bộ công nghệ.
Tháng trước, gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc đã tạo ra cơn sốt khi ra mắt sản phẩm smartphone mới Mate 60 Pro được trang bị chip xử lý mới có tên Kiri 9000s.
Đây là bộ chip xử lý đầu tiên sử dụng công nghệ 7nm tiên tiến nhất của nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC. Bước tiến này cho thấy Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ mới trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái chip trong nước của mình.