Khu vực Trung Đông và Châu Á – Thái Bình Dương hiện là điểm nóng thu hút đầu tư bất động sản hàng hiệu, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự hình thành của tầng lớp thu nhập cao.
Báo cáo Branded Residences của Bộ phận nghiên cứu Savills toàn cầu cho thấy, khu vực trên ghi nhận mức tăng trưởng về nguồn cung lần lượt là 400% và 216% trong vòng 10 năm qua và dự đoán tiếp tục tăng trưởng ổn định trong tương lai.
Theo báo cáo, mô hình này được đánh giá đem đến nhiều giá trị cho các thị trường mới, khi các thương hiệu quốc tế đang tích cực gia tăng độ hiện diện trên toàn cầu. Tuy nhiên, khác với hình thái thị trường thời gian trước (thị phần chủ yếu của bất động sản hàng hiệu là các thương hiệu quản lý khách sạn như: Four Seasons, The Ritz-Carton, Marriot hay Accor), thì thị trường hiện nay lại phát triển hơn với sự gia nhập của thương hiệu không phải khách sạn như: YOO, Trump hay Giorgio Armani. Điều này cho thấy, bất động sản hàng hiệu đang tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người mua.
Báo cáo Branded Residences cũng chỉ ra 3 thị trường đứng đầu toàn cầu về bất động sản hàng hiệu năm 2022 bao gồm: Dubai, South Florida và New York. Ngoài ra, thị trường có tốc độ phát triển nhanh ở lĩnh vực này có: Việt Nam, Mỹ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập và Mexico, với số lượng thương hiệu nổi tiếng gia nhập thị trường tương lai lớn nhất, ước tính hơn 30 thương hiệu tại mỗi quốc gia.
Trong đó, Việt Nam nổi lên là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng, làm việc, chạm tới nhiều nhu cầu của thị trường quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng của nhóm người giàu trong nước, với số lượng cá nhân thu nhập cao 5 năm qua tăng gần 86%, nên nhu cầu sở hữu, đầu tư mô hình bất động sản hàng hiệu do thế càng mở rộng.
Đưa ra nhận định, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, “Khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thì người mua luôn tìm kiếm những tài sản đảm bảo được giá trị đầu tư lâu dài. Những thương hiệu nổi tiếng, được công nhận toàn cầu chắc chắn mang lại cho người mua sự yên tâm nhất định về thiết kế, lẫn chất lượng quản lý. Do vậy, đây là thời điểm tốt để phát triển phân khúc bất động sản này”.
Bên cạnh đó, chuyên gia nêu, tại Việt Nam, bất động sản hàng hiệu còn có nhiều tiềm năng và đang gia tăng hiện diện không chỉ tại những điểm đến nghỉ dưỡng, mà ở cả các trung tâm đô thị, như TP.Hồ Chí Minh. Tốc độ tăng trưởng trong nhu cầu nội địa đối với sản phẩm bất động sản hàng hiệu dự báo tăng cao, do nguồn cung hiện tại vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu. Từ đây tiếp tục mở ra cơ hội đầu tư cho sản phẩm hạng sang và thương hiệu lâu đời.
“Chính sự xuất hiện của bất động sản hàng hiệu là dấu hiệu cho sự phát triển tích cực của thị trường Việt Nam. Việc chủ đầu tư bất động sản quy mô lớn xuất hiện tại Việt Nam như một minh chứng rõ nét của sự tiến bộ về tài năng, chuyên môn của đơn vị trong nước. Vì thế, phân khúc hàng hiệu ở Việt Nam có thể ghi nhận những mốc tăng trưởng mới. Thị trường sẽ không chỉ là sân chơi của các thương hiệu, nhà thiết kế quốc tế, mà còn mở rộng cho nhiều đơn vị trong nước. Các kiến trúc sư, nhà đầu tư, phát triển Việt đang có cơ hội để thể hiện chất lượng thiết kế và xây dựng của bản thân”, Giám đốc Savills chia sẻ.