Chiều tối ngày 19/4, Tổng cục Hải quan cho biết, mới đây, một chiếc tàu dịch vụ hậu cần thủy sản vận chuyển trái phép trên 270 tấn dầu FO khoảng 280 nghìn lít bị Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Nam (Hải đội 3), Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát hiện, bắt giữ trên biển.
Tàu mang biển hiệu Thuận Huệ 68, biển kiểm soát BV-97979-TS, do ông Phạm Sỹ Liêu, quốc tịch Việt Nam làm thuyền trưởng. Kết quả kiểm tra trên tàu, các công chức Hải đội 3 phát hiện tại 3 hầm của tàu chứa tổng cộng trên 270 tấn dầu FO, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.
Toàn bộ số hàng hóa trên được chứa tại các hầm không được ghi số trên tàu Thuận Huệ 68, theo thứ tự từ đầu mũi tàu xuống cabin lái, từ phải sang trái gồm hầm thứ 6, hầm thứ 7 và hầm thứ 8.
Theo khai nhận của thuyền trưởng tàu Thuận Huệ 68, số hàng hóa trên được bơm từ 1 tàu sắt không xác định được tên và số hiệu tại ngoài khơi vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tổng cục Hải quan thông tin.
Phó Hải Đội trưởng phụ trách Hải đội 3 Hoàng Văn Thảo, cho biết việc lợi dụng tàu đánh bắt hải sản, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản để sang mạn, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển vẫn diễn biến phức tạp.
Do đó, Hải đội 3 xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm soát địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
"Đối với vụ việc vi phạm của tàu Thuận Huệ 68 nêu trên, các đối tượng cũng ngụy trang tàu dịch vụ hậu cần thủy sản rất tinh vi, nhằm qua mặt lực lượng chức năng", Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Hiện chiếc tàu vi phạm và toàn bộ tang vật vi phạm nêu trên được Hải đội 3 lai dắt vào bờ niêm phong, để thực hiện các bước giám định, xác định trị giá để xử lý.
Thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp trở lại, nhất là mặt hàng xăng dầu. Theo đó, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, tổ chức hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu có quy mô lớn.
Đặc biệt, tại vùng biển phía Nam có số lượng tàu cá hoạt động lớn nhất cả nước, với khoảng 16.000 phương tiện nên nhu cầu xăng dầu phục vụ cho các tàu cá khai thác thủy sản khá cao. Nắm bắt được thực tế đó, một số đối tượng buôn lậu cũng tranh thủ sự chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước và các nước lân cận để tìm mọi cách mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng này từ nước ngoài về vùng biển Việt Nam tiêu thụ.
Chỉ tính từ đầu tháng 3/2023, hàng loạt các vụ phát hiện, bắt giữ phương tiện vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển cho thấy hoạt động buôn lậu xăng dầu chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Trước đó, ngày/19-3, tại vùng biển cách Đông Đông Nam Côn Đảo khoảng 150 hải lý (tọa độ 07 độ 28N - 108 độ 40E), Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu TG 94456 TS có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Qua khám xét, tàu vận chuyển 60.000 lít dầu DO. Thuyền trưởng và các thuyền viên đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Hay ngày 20/3, tại vùng biển cách cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) khoảng 30 hải lý về hướng Tây Nam, Đồn Biên phòng Sông Đốc phối hợp Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm tiến hành kiểm tra, phát hiện tàu TG 91987 TS do Lương Văn Ri (ngụ P.Tân Long, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng cùng 5 thuyền viên đang vận chuyển 47.000 lít dầu DO không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Vụ việc được Đồn Biên phòng Sông Đốc phối hợp các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ và xử lý.
Trước tình trạng vận chuyển dầu lậu trên biển ngày càng phức tạp, ngành hải quan sẽ triển khai hiệu quả chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, tăng cường công tác điều tra, kiểm soát trên biển để ngăn chặn kịp thời tình trạng vận chuyển, mua bán trái phép xăng dầu trên biển…
Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn hành vi kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.
Ngoài ra sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc cam kết trong kinh doanh xăng dầu và cảnh báo người tiêu dùng về các nguy hiểm trong tiêu thụ, sử dụng xăng dầu giả...