Ngay trong bữa cơm trưa với gia đình, Hòa An (26 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ nhận được cuộc gọi số lạ. Tuy nhiên, người dùng này chỉ tắt chuông chứ không vội vã bắt máy.
“Nếu là cuộc gọi quan trọng hay của người quen, chắc chắn họ sẽ liên hệ một cuộc nữa. Còn không chắc chắn đây là cuộc gọi rác. Trước đây cứ 8/10 lần nghe máy số lạ là tôi lại được người lạ chào mời vào đủ sàn giao dịch chứng khoán, tiền ảo, forex, đôi khi ‘được nghe nhạc miễn phí’ rồi tài khoản bị trừ tiền”, chị giải thích về thói quen kéo dài hơn 2 năm trở lại đây.
Vấn nạn chưa rõ hồi kết
Không chỉ bị làm phiền bởi các cuộc gọi rác, kho tin nhắn của Hòa An cũng tràn ngập tin nhắn rác với đủ loại nội dung, từ cá độ, giả danh doanh nghiệp lớn tuyển việc nhẹ lương cao cho đến làm giả giấy tờ. Trung bình mỗi ngày, chị lại nhận được 1 cuộc gọi rác, trên dưới 3 tin nhắn rác.
Khác với vài năm trước, người dùng hiếm khi bắt gặp các tin nhắn rác trên kênh viễn thông. Thay vào đó, phần lớn tin nhắn rác hiện nay đều được gửi qua kênh OTT của một số ứng dụng nhắn tin, điển hình nhất là iMessage của iPhone.
Trên thực tế, tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác tấn công người dùng diễn ra tương đối phổ biến và không loại trừ bất cứ nhóm đối tượng nào. Các tin nhắn OTT được gửi tới người dùng trực tiếp trên Internet mà không thông qua nhà mạng. Do đó, việc kiểm soát tin nhắn rác OTT vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.
Tính trong 6 tháng đầu năm, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã phát hiện 74,178 triệu cuộc gọi phát sinh từ thuê bao spam call (cuộc gọi rác), tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 4 và 5 tổng số cuộc gọi rác lên tới 22,7 triệu cuộc, cao gấp 2 lần số lượng ghi nhận trong quý II/2021.
Trong khi đó, các doanh nghiệp viễn thông cũng chặn 113.416 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời chặn 1.043/1.465 đơn vị SIM, thực hiện hủy, chuyển quyền, tái đấu nối hoặc chuyển sang mạng khác 430 SIM có dấu hiệu sử dụng, tham gia tuyên truyền hành vi vi phạm pháp luật như game bài, cờ bạc, mua bán vật liệu nổ, văn bằng giả… theo đề nghị của Bộ Công an (Cục A05).
Số liệu từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC - Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT), tổng đài tiếp nhận phản ánh tin rác bình quân mỗi tháng nhận được 2.000 lượt phản ánh, chặn 8.000 cuộc gọi rác và gần 100 triệu tin nhắn rác.
Mới đây, người dân trên cả nước đều nhận được tin nhắn đề nghị “chung tay, góp sức với doanh nghiệp viễn thông nhằm chặn cuộc gọi rác. Theo đó, sau khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn khảo sát tới người dùng để tiến hành ngăn chặn dựa trên thông tin phản hồi.
Dẫu vậy, các nhà mạng vẫn tìm ra biện pháp triệt để đối với tình trạng tin nhắn rác OTT quấy rầy người dùng.
“Dù báo cáo hay xóa đi, các tin nhắn rác vẫn không ngừng xuất hiện và mỗi lúc lại được gửi từ một địa chỉ khác nhau. Sau thấy vô ích nên tôi không mất công báo cáo nữa”, chị An bức xúc.
Nhà mạng phải có trách nhiệm
Trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 10/8, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết số lượng SIM rác (chưa đăng ký thông tin) lên tới 26 triệu đơn vị vào năm 2018. Đến tháng 6, số SIM rác đã được cắt bỏ khỏi hệ thống.
Trước mắt, việc liên kết dữ liệu căn cước công dân với kho dữ liệu thuê bao từ các nhà mạng là mấu chốt để xử lý SIM rác. Quan điểm này thường xuyên được Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trong báo cáo mới nhất về kết quả triển khai Đề án 06 (Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), Bộ Công an cho biết đã thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động để xác thực dữ liệu người dùng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác.
Sau khi tiến hành xác thực thông tin thuê bao với 3 nhà mạng đã xác thực đúng 555.602/1.038.194 thông tin thuê bao của VinaPhone, 509.535/677.877 thông tin thuê bao của Viettel và 1.492/2.552 thông tin thuê bao của MobiFone. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáng kể so với tổng số hơn 125 triệu thuê bao đang phát sinh lưu lượng hiện nay trên cả nước.
Bộ TTTT đã có yêu cầu xử lý SIM có thông tin không đúng quy định; nhà mạng phải rà quét thông tin thuê bao theo các tiêu chí (số CMND/CCCD), xác định các thuê bao nghi ngờ; thu hồi, ngăn chặn SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn còn tồn trên kênh phân phối; phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra công tác quản lý thuê bao và xử lý vi phạm tại 7 doanh nghiệp viễn thông di động và các đại lý.
Cuối tháng 8, 7 nhà mạng gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Local, iTel và Gmobile cùng ký cam kết thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh.
Khi đối tượng xấu sử dụng các SIM này đi lừa đảo. Vậy trách nhiệm nhà mạng ở đâu? Nhà mạng cần doanh thu, nhưng không cần doanh thu từ những thuê bao phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long
Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cũng lưu ý vai trò của nhà mạng trong quá trình ngăn chặn vấn nạn gọi rác, lừa đảo.
“Bộ sẽ kiên quyết thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc thực hiện việc xử lý SIM rác, phải làm sạch thông tin thuê bao để tránh gây hệ lụy cho xã hội, không thể để người dân phải chịu gánh nặng này”, Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định.
Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Hồng Thắng khẳng định người dùng di động Việt phàn nàn khi nhận cuộc gọi rác là đúng. Dẫu vậy tỷ lệ phản hồi tin nhắn khảo sát cuộc gọi rác vẫn rất thấp. Từ đó khiến nhà mạng lẫn cơ quan quản lý gặp khó khăn trong quá trình xác định nguồn phát tán cuộc gọi rác.
Theo lãnh đạo Cục, việc ngăn chặn triệt để cuộc gọi rác không chỉ xoanh quanh các giải pháp kỹ thuật. Mặt khác, tỷ lệ phản hồi của khách hàng chính là cơ sở để nhà mạng tìm ra và chặn đứng cuộc gọi rác. Người dùng di động cần có trách nhiệm phản hồi, chung tay cùng cơ quản lý nhà nước và các nhà mạng giải quyết vấn đề này.