Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup nhiều năm qua đều nhận thù lao 0 đồng. Ảnh: VIC.
Báo cáo soát xét bán niên của Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) cho thấy ông Phạm Nhật Vượng - tỷ phú giàu nhất Việt Nam theo xếp hạng của Forbes - hiện giữ chức vụ Chủ tịch nhưng không hề nhận bất cứ thù lao nào trong nửa đầu năm nay.
Những lãnh đạo không nhận lương
Đây không còn là thông tin quá mới bởi trong nhiều năm trở lại đây, ông Vượng đã không nhận một đồng nào từ các doanh nghiệp mà ông làm lãnh đạo cấp cao.
Hiện tại ông Vượng đang nắm hơn 18% vốn tại Vingroup, giá trị trên sàn chứng khoán là hơn 31.000 tỷ đồng. Ông cũng đồng thời nắm 100% vốn tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam - cổ đông lớn nhất của Vingroup và nhiều công ty con, ước trị giá gần 5.700 tỷ đồng.
Tương tự ông Vượng, báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm vừa công bố cho thấy ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) - không nhận lương trong 2 quý đầu năm. Báo cáo ghi nhận thu nhập 6 tháng đầu năm ngoái của ông là hơn 226 triệu đồng.
Việc không nhận lương của ông Tài bắt đầu từ quý III/2023 khi Thế Giới Di Động ghi nhận kết quả kinh doanh sa sút.
Ngoài Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, hai Thành viên HĐQT khác của Thế Giới Di Động là ông Đoàn Văn Hiểu Em và ông Trần Huy Thanh Tùng cũng nhận lương 0 đồng trong nửa đầu năm. Trong khi 6 tháng đầu năm ngoái, 2 vị lãnh đạo cấp cao này vẫn nhận mức lương trung bình lần lượt là 97 triệu đồng/tháng và 27 triệu đồng/tháng.
Cũng nhận mức lương 0 đồng trong 6 tháng đầu năm nay là một số Thành viên trong HĐQT, Ban kiểm soát và Ban giám đốc của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (HoSE: NVT). Thậm chí theo báo cáo tài chính của công ty, những lãnh đạo này còn không nhận thù lao, thưởng và lợi ích đi kèm khác.
Một số Thành viên trong HĐQT, Ban kiểm soát và Ban giám đốc của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay cũng đang nhận mức lương 0 đồng. Ảnh: Six Senses.
Việc ban lãnh đạo của Ninh Vân Bay không nhận một đồng tiền lương đã diễn ra từ năm ngoái. Đại diện ban lãnh đạo - Chủ tịch HĐQT Vũ Hoàng Linh - lý giải do tình hình kinh doanh sau đại dịch khó khăn, nên HĐQT doanh nghiệp đã đề xuất không nhận thù lao.
"HĐQT sẽ đề xuất mức thù lao hợp lý sau khi công ty đạt các chỉ tiêu mà Đại hội đồng cổ đông đề ra", ông Linh chia sẻ.
Tại CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HoSE: ITA), các vị trí lãnh đạo cao nhất như Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến hay Phó chủ tịch HĐQT Đặng Quang Hạnh cũng đều không nhận lương và thù lao trong 6 tháng đầu năm nay.
Ngoài những nhân vật trên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp được biết đến nhận mức lương 0 đồng trong nhiều năm liền như ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT), bà Nguyễn Thị Thanh Phượng (Chứng khoán Vietcap), ông Trần Đình Long (Chủ tịch Hoà Phát), ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan)...
Nhận lương mang tính "tượng trưng"
Ngoài các vị lãnh đạo nhận lương 0 đồng, cũng có rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác có nhận lương nhưng chỉ mang tính chất "tượng trưng".
Đơn cử, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) cho thấy dàn lãnh đạo nhận tổng cộng hơn 416 triệu đồng tiền lương, cao hơn mức 227 triệu của cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT trong kỳ là bà Nguyễn Thị Như Loan nhận mức thu nhập chỉ 66 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng nửa đầu năm, bà Loan nhận bình quân 11 triệu đồng tiền lương từ Quốc Cường Gia Lai.
Hay tại Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC), thù lao trả cho 5 thành viên trong HĐQT và Ban kiểm soát chỉ dao động 50-100 triệu đồng/người cho cả 6 tháng đầu năm, tương ứng mỗi thành viên chỉ nhận về cao nhất 17 triệu đồng/tháng và thấp nhất là 8 triệu đồng/tháng.
Riêng Phó tổng giám đốc Phan Anh Dũng thu nhập thực nhận trong nửa đầu năm chỉ vỏn vẹn chưa tới 2 triệu đồng/tháng.