Nở rộ bán rượu nhập khẩu “xịn” trên “chợ mạng”
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng của người dân càng tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm như rượu có gắn mác hàng ngoại. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là người tiêu dùng có mua được sản phẩm rượu ngoại đảm bảo chất lượng và tương xứng với số tiền bỏ ra hay không?
Trên các trang mạng có hàng loạt thông tin quảng cáo, rao bán rượu nhập khẩu chính hãng từ các nước. So sánh sản phẩm tại các “cửa hàng online”, mức giá bán rượu ngoại cùng loại có chênh lệch khá lớn, thậm chí chênh cả triệu đồng. Cũng có những sản phẩm quảng cáo là “rượu ngoại xịn”, nhưng chỉ có giá vài trăm nghìn đồng. Điều này khiến người tiêu dùng có quyền nghi ngại về việc chất lượng sản phẩm và liệu những mặt hàng giá rẻ ấy có đảm bảo an toàn khi sử dụng hay không?
Khảo sát trên các trang mạng xã hội cũng như nhiều website cho thấy, nhiều cơ sở đang quảng cáo bán rượu chính hãng nhập khẩu. Thế nhưng, khi PV liên hệ qua các số điện thoại hotline, các nhân viên bán hàng đều cho biết chỉ bán online, khách hàng không được xem trực tiếp sản phẩm. Ngoài ra, địa điểm kinh doanh của các cửa hàng online này là điều hết sức bí ẩn, bởi đa số thông tin trên website đều không rõ ràng địa chỉ cụ thể. Khi PV đề nghị đến tận nơi xem hàng và thỏa thuận về giá bán vì mỗi mặt hàng có giá trị lên đến tiền triệu, thì các cơ sở đều từ chối vì nhiều lý do.
Theo tiết lộ của một người bán hàng online những địa chỉ có ghi trên website chỉ là kho chứa hàng, bởi vậy khách muốn mua hàng chỉ được chọn cách giao dịch duy nhất là “mua bán online”. Không những mập mờ về địa chỉ kinh doanh mặt hàng rượu ngoại với mức giá đắt đỏ, nhiều website còn quảng cáo bán cả rượu “hàng xách tay”, tức là hàng nhập lậu, trốn thuế. Những đơn vị này đều mạnh miệng cam kết là bán hàng chuẩn, hàng “xịn” chính hãng. Thế nhưng, PV tỏ ra lo ngại về chất lượng sản phẩm thì có cửa hàng đã thẳng thừng từ chối bán và cúp máy.
“Rượu Chivas 21 có giá 3,2 triệu đồng/chai loại 0,7 lít và đây là hàng xách tay Đức. Giá này bán lẻ không giảm giá. Mua thì mình giao online thôi”, nhân viên bán rượu trên website: Ruouxachtay.net có số hotline 0949991xxx tư vấn.
Theo khảo sát của PV, việc các cơ sở bán hàng rượu ngoại thông qua “chợ mạng” đều khẳng định không xuất hóa đơn VAT. Cũng có trường hợp hứa hẹn sẽ trả hóa đơn VAT sau vài ngày và dùng chiêu “câu giờ” để thuyết phục khách mua hàng. Đây đều là những hành vi có dấu hiệu trốn thuế. “Hàng không xem mẫu được, anh cứ chọn là bên em chuyển hàng đến trong ngày. Bây giờ hết hàng xuất ra, nên sang năm mới có hóa đơn VAT”, “cửa hàng online” Thegioiwhisky.com số hotline 0944329xxx hứa hẹn.
Liên hệ qua số hotline 0373072xxx trên website: Ruoungoai88.com, một người đàn ông cho biết: “Loại rượu Chivas 21 có loại hàng thường 2,78 triệu đồng/chai, hàng quà 3,2 triệu đồng/chai, đây đều là hàng nhập Âu. Nếu lấy loại thường thì tốt nhất bạn nên lấy hàng miễn thuế sẽ rẻ hơn tức hàng không hóa đơn, thì giá 2,45 triệu đồng/chai. Bây giờ anh bán hàng này rất nhiều và bán rất tốt”.
Để chiếm lòng tin của khách hàng, người này tự tin cam kết rằng đây đều là hàng chuẩn với chất lượng 2 loại như nhau. Nếu khách chọn được hàng, cơ sở này chiều theo ý của khách là khi giao hàng mới chuyển khoản thanh toán. “Hàng có hóa đơn đắt hơn chút vì phải báo cáo thuế. Anh cam kết hàng chuẩn, không chuẩn em trả lại cho anh”, người này thuyết phục khách hàng.
Có thể nói, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ luôn là chủ đề nóng đặc biệt là vào dịp cuối năm. Đáng nói là các chiêu thức, thủ đoạn của những tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái ấy được thực hiện rất tinh vi. Chính điều này đã gây khó khăn cho các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý và những doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng “đau đầu” để tìm ra các giải pháp hữu hiệu đấu tranh, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu.
Đặc biệt, với sản phẩm rượu được các đối tượng làm giả, nhái xuất hiện nhiều và phân phối qua các sàn thương mại điện tử, thì công tác quản lý đầu vào chất lượng sản phẩm này gặp rất nhiều khó khăn hơn đối với cơ quan quản lý nhà nước. Trước tình trạng nở rộ bán rượu nhập khẩu, rượu xách tay trên “chợ mạng” với mức giá hỗn loạn như hiện nay, người tiêu dùng rất khó để mua được sản phẩm đảm bảo chất lượng, đúng giá trị.
Thực tế là nhiều khách hàng có nhu cầu mua hàng để đi biếu tặng, họ thậm chí còn không được sử dụng và không đánh giá được chất lượng đến đâu, có đúng cam kết như những lời cơ sở bán hàng nói hay không? Đây là điều mà những cơ sở kinh doanh đang lợi dụng, để đánh vào tâm lý khách hàng.
Pháp luật Việt Nam cũng quy định về hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái là xử phạt hành chính và có thể truy tố trách nhiệm hình sự. Thế nhưng, theo đánh giá của các lực lượng chức năng, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả vào dịp cận Tết vẫn luôn tăng cao và đã có nhiều vụ việc vi phạm bị phát giác. Đây là người tiêu dùng đặc biệt quan tâm và mong chờ có những giải pháp hữu hiệu nhằm chấn chỉnh tình trạng này.
Hệ lụy khôn lường khi sử dụng rượu giả, kém chất lượng
Có rất nhiều vụ việc ngộ độc thậm chí tử vong vì sử dụng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu kém chất lượng. Đặc biệt, nguy cơ ngộ độc rượu và tình trạng buôn bán rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu kém chất lượng thường tăng cao vào thời điểm cận Tết. Về vấn đề này, các cơ quan quản lý, chuyên gia y tế cũng như nhiều phương tiện truyền thông đã liên tục cảnh báo.
Trước thực trạng quảng cáo, rao bán rượu nhập khẩu trên “chợ mạng” và dấu hỏi về chất lượng những sản phẩm này, PGS.TS Trần Hồng Côn – (Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích: “Thông thường những loại rượu mà không rõ nguồn gốc xuất xứ tức là có thể do người ta tự chưng cất hoặc người ta lấy cồn công nghiệp để pha chế. Cái đó chứa rất nhiều những chất có hại cho cơ thể, thậm chí gây ngộ độc và tử vong. Đồng thời, đây là rủi ro rất lớn vì vậy mọi người nên quan tâm đến chuyện này. Đặc biệt là rượu tự chưng cất mà lại không có kinh nghiệm và rượu pha từ cồn công nghiệp, thì luôn luôn chứa một lượng methanol nhất định. Khi lượng methanol này mà vượt ngưỡng cho phép, thì đó là một rủi ro lớn cho người sử dụng”.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, đặc biệt là trong cồn công nghiệp thì người ta không tách methanol. Bởi vì, cồn công nghiệp chủ yếu để pha vào xăng thì methanol, ethanol đều cháy như nhau và sinh năng lượng nên người ta không tách. Thứ 2, trong cồn công nghiệp còn một loại là rượu nặng. Tức là phần rượu nặng khi chưng cất người ta không loại bỏ, cái đó cũng đưa vào động cơ vẫn cháy hay làm dung môi thì nó vẫn hoạt động bình thường.
Nhưng, loại rượu nặng này người ta uống phải cũng gây ngộ độc. Ví dụ như gây nhức đầu chóng mặt, choáng váng, thậm chí mất khả năng điều khiển cơ thể như chuếnh choáng không đứng vững, hoặc thậm chí có thể là trong lúc lái xe không làm chủ được mình và gây ra tai nạn. Vì thế, ngoài methanol trong cồn công nghiệp thì rượu nặng cũng là một loại đáng quan tâm.
Đánh giá về thị trường rượu ngoại ở trong nước và tình trạng sản xuất, tiêu thụ rượu giả, rượu kém chất lượng gây hoang mang trong tâm lý người tiêu dùng, PGS.TS Trần Hồng Côn chia sẻ: “Các hãng rượu ngoại nổi tiếng trên thế giới họ thống kê ở các nước đang phát triển, ví dụ như nước ta và một số nước việc quản lý chưa chặt chẽ thì từ 70-90% rượu bán trên thị trường với những nhãn mác của công ty nổi tiếng là rượu giả. Họ làm giống hệt rượu thật cả về hình thức, mùi vị, nhưng thực tế là hàng giả”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân sở dĩ hàng giả, hàng nhái ngày càng có diễn biến phức tạp là do việc kinh doanh mặt hàng này có mức siêu lợi nhuận. Thậm chí, một sản phẩm làm giả có thể đưa lại lợi nhuận gấp 5, gấp 10 lần, do đó nhiều đối tượng đã bất chấp quy định pháp luật, bỏ quên đạo đức mà không hề tính toán đến tác hại cho người tiêu dùng và xã hội.
Bên cạnh đó, tâm lý chung của người tiêu dùng là thích dùng là sính ngoại nhưng lại ham rẻ, đó là nhân tố vô tình đã tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái có cơ hội để tiêu thụ. Hơn nữa, nhiều người tiêu dùng cũng thừa nhận bản thân đã thiếu cảnh giác và ít có hoặc là không biết thông tin về sản phẩm, nên không nhận biết được sản phẩm thật – giả.
PGS.TS Trần Hồng Côn cũng khuyến cáo, theo kinh nghiệm thì nếu rượu ngoại mà là hàng tốt giá rẻ thì không có. Vì vậy, người tiêu dùng có thể dựa vào giá cả cũng là một phần để quyết định có mua hay không. Tuy nhiên, cũng không chắc chắn bởi có khi rượu giả nhưng người bán lại hét thật cao để làm như rượu thật. Bởi vậy, người dân hãy là người tiêu dùng thông minh và mua những loại rượu ở các đại lý tin tưởng, uy tín. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải thận trọng trong việc sử dụng rượu bia.
“Thực tế có những người làm ăn chính đáng và làm ăn giả mạo luôn song song với nhau, vì thế chúng ta tìm những người có uy tín. Còn những thứ làm không thật, giá rẻ là cái người tiêu dùng phải tự biết và là người tiêu dùng thông minh. Ngay cả hàng xách tay cũng bị xách tay hàng nhái. Người tiêu dùng phải cảnh giác, thứ nhất đừng ham rẻ và thứ 2 là đừng thấy quảng cáo hay quá mà tin tưởng”, PGS.TS Trần Hồng Côn đưa ra lời khuyên.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, bên cạnh việc các lực lượng chức năng siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh buôn bán, mỗi người tiêu dùng cũng nên thận trọng và cảnh giác với các sản phẩm, thương hiệu không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Cùng với đó, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân thì mọi người cần phải tố giác với lực lượng chức năng để kịp thời xử lý.