ChatGPT do công ty khởi nghiệp OpenAI tạo ra đang là công cụ nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng, cả trong và ngoài giới công nghệ. Chỉ sau 3 tháng ra mắt, công cụ chatbot AI (trí tuệ nhân tạo) này trở thành ứng dụng thu hút nhiều người dùng mới nhanh nhất trong số các ứng dụng phổ thông trên mạng internet hiện nay.
Dựa trên dữ liệu từ Similar Web, ChatGPT được OpenAI công bố cuối tháng 11/2022, thu hút 57 triệu người dùng sau một tháng. Tính đến 31/1, chatbot AI này đã đạt 100 triệu người dùng. Trung bình mỗi ngày trong tháng 1, nó thu hút 13 triệu người truy cập.
Bên cạnh đó, những câu chuyện về việc ChatGPT có thể viết khóa luận hay viết một bài báo trong 30 giây cũng dấy lên lo ngại về việc ChatGPT có thể đe dọa việc làm của giáo viên, nhà báo,...
Ngay tại Việt Nam, ChatGPT cũng tạo ra cơn sốt trên mạng xã hội khi người người nhà nhà tìm cách tạo tài khoản và chia sẻ những cuộc trò chuyện với chatbot này.
Đặc biệt, trường Funix - một đơn vị thuộc Tập đoàn FPT đã cho hơn 5.000 sinh viên của mình trải nghiệm công cụ này. Chia sẻ trong một hội thảo mới đây, ông Quách Ngọc Xuân - CTO Funix cho biết ChatGPT đã được tích hợp vào hệ thống chat nội bộ. Sinh viên có thể thoải mái trải nghiệm, hỏi đáp chatbot. Thậm chí, ngôi trường này không dùng tài khoản miễn phí mà mua gói cao cấp nhất của ứng dụng để ChatGPT cho câu trả lời chính xác nhất.
Nhận định về ChatGPT, ông Quách Ngọc Xuân không cho rằng đây là mối lo ngại, mà trái lại, là một cơ hội mới giúp trường đi xa hơn trong đào tạo trực tuyến, thay vì tự xây dựng và không đáp ứng kịp với sự thay đổi của thế giới.
Được biết, Funix là tổ chức giáo dục, đào tạo về CNTT nhưng không có trường, không lớp và cũng không có sẵn giáo trình. Thay vào đó, Funix mong muốn tiếp cận theo cách mới giúp cho việc đào tạo khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên trên internet.
"ChatGPT giúp nâng cao kiến thức. Với Google, kiến thức khá bao la nhưng nếu các bạn học sinh có thể tìm kiếm thông tin chi tiết hơn như ChatGPT thì hiệu quả hơn. ChatGPT mạnh ở chỗ có thể đưa ra các câu trả lời rất chi tiết hoặc dễ hiểu.
Người mentor (hướng dẫn) khi sử dụng ChatGPT có thể rảnh tay hơn. Trước kia, mentor thường phải trả lời tất cả các câu hỏi của học viên một cách rất chi tiết, từ những câu hỏi nhỏ và đơn giản. ChatGPT có thể hỗ trợ trong việc này để mentor tập trung vào vài trò dẫn dắt và chia sẻ câu chuyện thực tế hơn", CTO Funix nhận định.
Funix đang cố gắng tích hợp ChatGPT vào phần hỏi đáp, để học sinh có thể hỏi đáp trước với chatbot trước khi hỏi mentor.
ChatGPT có thể thay thế giáo viên không?
Nhận định về những mối đe dọa, thách thức của ChatGPT đối với ngành giáo dục, Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Chủ tịch Khối giáo dục Phổ thông, Tập đoàn Giáo dục EQuest gợi nhớ lại sự xuất hiện của Google hay máy tính cầm tay trước kia.
"Việc phát triển của khoa học kỹ thuật khiến chúng ta đặt ra nhiều câu hỏi rằng việc dạy học hay một số phần nào đấy còn quan trọng hay không. Đây không phải câu hỏi mới.
Khi máy tính cộng-trừ-nhân-chia ra đời, có một loạt câu hỏi rằng liệu trẻ em có phải học tính toán nữa không? Hay khi Google ra đời thì một loạt câu hỏi rằng những thư viện, nơi lưu trữ thông tin còn cần thiết hay không?
Khi máy tính cầm tay ra đời, kỹ năng tính toán chỉ còn được dạy cho học sinh cấp thấp mà thôi. Hoặc khi Google ra đời thì trong trường lớp hay bài thi, những câu hỏi về mặt “định nghĩa” cũng dần mất đi, thay vào đó là những câu hỏi nâng cao trình độ kiến thức mới. Giáo dục cũng vậy. Việc ra đời của ChatGPT lần này cũng khiến cho nhà trường phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá, cách dạy học sinh. Nhưng điều đó không có nghĩa là ChatGPT có khả năng thay thế. Nó chỉ bổ sung và nâng lên một bước tiến mới, mà tôi cho là tích cực. Cung cấp cho người học cách học mới và hiệu quả, thông minh, sáng tạo hơn", Tiến sĩ Đàm Quang Minh bày tỏ.