Theo Oilprice, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang trên đà tiêu thụ nhiều dầu thô nhất của Mỹ trong gần một năm sau khi việc thực thi chặt chẽ hơn các lệnh trừng phạt của Mỹ đã cản trở hoạt động thương mại với Nga.
Tập đoàn Dầu khí Bharat, Tập đoàn Dầu Ấn Độ, cùng với nhà máy lọc dầu tư nhân hàng đầu Reliance Industries Ltd. đã mua khoảng 7 triệu thùng dầu thô Mỹ giao vào tháng 4 trong tháng này. Theo Kpler, đây sẽ là khối lượng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 5/2023.
Dòng dầu thô của Nga sang Ấn Độ đã tăng mạnh sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra và Nga vẫn là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho nước này, nhưng các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn của Mỹ đã khiến hàng hóa bị mắc kẹt và mức chiết khấu đã bị thu hẹp.
Vào tháng 2, nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu, Ả Rập Saudi, đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng trong bối cảnh giá bán của Saudi Arabia giảm trong tháng trước.
Hầu hết dầu thô Mỹ mà Ấn Độ mua trong tháng này là dầu thô WTI Midland và chi phí vận chuyển đắt hơn so với các thùng dầu từ Trung Đông. Dầu Sokol của Nga - có thể so sánh với WTI Midland - chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự gián đoạn này.
Quan chức nhà máy lọc dầu Ấn Độ giấu tên cho biết, WTI Midland có thể sản xuất nhiều xăng và dầu diesel hơn - những loại nhiên liệu dự kiến sẽ có mức tiêu thụ cao hơn trong những tháng tới do sự di chuyển của người dân tham gia bầu cử địa phương, sản xuất điện tăng và thu hoạch mùa màng.
Dylan Sim, nhà phân tích tại công ty tư vấn công nghiệp FGE cho biết: “Với những vấn đề phải đối mặt khi nhập khẩu dầu Sokol, không có gì ngạc nhiên khi các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang chuyển sang sử dụng dầu WTI Midland của Mỹ như một giải pháp thay thế nhẹ nhàng nhưng kịp thời cho họ”.
Ông cho biết, dầu thô của Mỹ chiếm khoảng 10% lượng nhập khẩu của Ấn Độ vào năm 2021 nhưng đã giảm xuống mức thấp nhất là 4% trong hai năm qua khi Nga mở rộng thị phần và đây là cơ hội để các hoạt động nhập khẩu phục hồi trở lại.
Các loại dầu thô khác của Nga bao gồm Urals cũng bị ảnh hưởng bởi việc thực thi lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn. Hai tàu chở dầu chở loại này đã không hoạt động ngoài khơi bờ biển Ấn Độ trong nhiều tuần nay.
Hiện Trung Quốc là người mua dầu Viễn Đông Sokol của Nga bị mắc kẹt ngoài biển. Các tàu chở đầy dầu Sokol nằm chờ ngoài khơi Singapore kể từ tháng 12 đã bắt đầu di chuyển về phía bờ biển Trung Quốc.
Tham khảo: Kpler, Oilprice