Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng là một hạng mục thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ (giai đoạn 2). Tổng mức đầu tư là 11.300 tỷ đồng, bao gồm 9.850 tỷ đồng vốn vay ODA Nhật Bản và vốn ngân sách góp 1.450 tỷ đồng.
Khu vực phục vụ của nhà máy bao gồm diện tích 2.530 ha trên địa bàn 8 quận, huyện, gồm quận 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh, với dân số gần 2 triệu người.
Nhà máy này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm tại lưu vực các kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ. Ông Ono Masuo, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM nhấn mạnh dự án cũng góp phần cải thiện môi trường nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng của sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Từ đó, góp phần cải thiện môi trường sống các khu vực xung quanh và nâng cao hơn nữa sức hấp dẫn của TP.HCM.
Nước thải từ các khu vực này được thu gom qua hệ thống cống bao thuộc gói thầu G của dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM, sau đó chuyển về trạm bơm Đồng Diều ở quận 8 để loại bỏ sơ bộ cát, rác, rồi bơm qua tuyến cống dài khoảng 28 km đến Nhà máy Bình Hưng để xử lý trước khi thải ra môi trường.
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2 nâng công suất xử lý nước thải lên 469.000 m3/ngày đêm, trở thành trung tâm xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam. Trước đó, năm 2008, nhà máy xử lý này đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 141.000 m3/ngày đêm.
Dự án đã xây dựng tổng cộng 17 km cống tròn và cống hộp thoát nước mưa, 34 km cống bao thu gom nước thải với đường kính tối đa 1,8 m cùng 156 giếng tách dòng, nâng công suất trạm bơm Đồng Diều và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.
Nước thải sau khi được thu gom sẽ được đưa về nhà máy để tiến hành quá trình xử lý lắng lọc theo đúng quy trình.
Sau đó, nước được đưa vào hệ thống xử lý vi sinh để loại bỏ các chất hữu cơ trước khi xả ra môi trường.
Các kỹ sư đang kiểm tra và vận hành các thiết bị ở khu vực bên trong nhà máy.
Máy móc bên trong nhà máy chủ yếu được vận hành tự động qua hệ thống điều khiển trung tâm.
Trong ảnh là hệ thống máy tính giám sát và điều khiển trung tâm tại nhà máy. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết từ khi nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 1 cùng hệ thống cống bao thu gom và trạm bơm nước thải Đồng Diều đi vào hoạt động vào năm 2009, khoảng 650 triệu m3 nước thải từ lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ đã được xử lý, tránh xả thẳng ra kênh gây ô nhiễm như trước.
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng không chỉ có chức năng xử lý nước thải mà còn được quy hoạch, xây dựng thành một "điểm đến xanh" với hàng chục héc ta cây xanh, phòng thí nghiệm, hệ thống quan trắc để trở thành một điểm học tập, tham quan, giáo dục môi trường cho người dân TP.HCM.