Tại ĐHĐCĐ diễn ra chiều ngày 30/3/2023 của Chứng khoán Bản Việt (VCSC, VCI), khi cổ đông hỏi về tin đồn VCSC tham gia thương vụ SMBC mua 15% vốn tại VPBank và "nhận tiền cò" gần 400 tỷ (tương đương 1%), Tổng Giám đốc là ông Tô Hải đã bác bỏ.
“Chúng tôi không tham gia đợt này và không nhận được khoản lợi nhuận nào cả. Hai bên đã là đối tác chiến lược rồi thì quý vị có thể hiểu được họ có thể tự làm, dĩ nhiên không kêu thêm bên nào vào cả”, ông nói.
Trước đó, VCSC là bên thực hiện thương vụ “bom tấn” VPBank bán cổ phần tại FE Credit cho SMBC. Mức phí nhận về ở mức tương đối.
VCSC là một “tay chơi” có tiếng trong sân chơi Ngân hàng đầu tư (IB). Nhìn lại năm 2022, với mảng cốt lõi là Ngân hàng đầu tư (IB), ông Hải cho biết VCSC là CTCK hiếm hoi có hoạt động này sôi động. Các thương vụ điển hình 2022 là bán chuỗi Phúc Long cho Masan với giá trị 400 triệu USD, tư vấn bán chuỗi Pizza4Ps cho Mekong Capital, tư vấn bán 35% cổ phần cho Điện Gia Lai...
Về thương vụ SMBC – VPBank, đây được xem là thương vụ lớn trong năm 2023, đặc biệt trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.
Khoản đầu tư này được biết sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Thoả thuận đầu tư lần này là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022 nhằm tăng cường năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng chiến lược trong 5 năm tới.
Sau khoản đầu tư lần này, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau Vietcombank. Thoả thuận lần này cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra sức hút và khuyến khích các nhà đầu tư FDI, trong danh sách hơn 200 nghìn khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn trên thế giới của SMBC Group và Ngân hàng SMBC tìm hiểu mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Các tập đoàn này khi đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ trở thành khách hàng tiềm năng của VPBank trong tương lai.