Ngày 29/8, hàng nghìn người tụ tập trên lề đường, bờ biển, nóc nhà, thậm chí ngủ qua đêm gần Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida với mong muốn chiêm ngưỡng SLS, tên lửa mạnh nhất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lần đầu được phóng lên vũ trụ.
Nhiều quan khách gồm Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, nghệ sĩ và cựu phi hành gia cũng có mặt để theo dõi. Tuy nhiên, NASA tuyên bố hủy lịch phóng vào phút chót do sự cố kỹ thuật. Đội ngũ quản lý sứ mệnh Artemis họp trong ngày 30/8 để đưa ra hướng xử lý tiếp theo.
Hụt hẫng nhưng vẫn hy vọng
NASA khởi động đếm ngược chuyến bay Artemis I từ ngày 27/8. Việc tiếp nhiên liệu cho tên lửa SLS diễn ra từ 1h14 ngày 29/8 (giờ Mỹ), chậm 45 phút do cơn bão quét qua bãi phóng 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy vào đêm hôm trước.
Đến sáng 29/8, các kỹ sư phát hiện sự cố rò rỉ nhiên liệu, khiến quá trình bơm hydro và oxy bị gián đoạn. Sau khi khắc phục xong, tên lửa tiếp tục gặp vấn đề liên quan đến hydro, khiến một trong 4 động cơ không được làm lạnh đúng cách.
Theo New York Times, đây là đợt thử nghiệm làm lạnh động cơ thực tế đầu tiên của NASA trên SLS. Trước đó, các buổi diễn tập tiếp nhiên liệu (wet dress) được tổ chức nhằm giải quyết sự cố, nhưng bị rút ngắn do vấn đề kỹ thuật.
Sự cố rò rỉ nhiên liệu của SLS gợi nhớ đến kỷ nguyên tàu con thoi của NASA, khi tình trạng rò rỉ hydro làm gián đoạn quá trình đếm ngược, khiến hàng loạt vụ phóng bị hoãn.
Tên lửa SLS không cất cánh đúng hẹn gây thất vọng cho nhiều kỹ sư NASA, khán giả xem trực tiếp và công chúng nói chung. Camille Calibeo, 25 tuổi, cựu sinh viên ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ, thức dậy từ 2h sáng để tìm chỗ ngồi đẹp.
"Có nhiều người ở đây với sự phấn khích tột độ, chắc chắn họ rất buồn", Calibeo cho biết. Dù vậy, cô hy vọng đợt phóng vẫn sẽ diễn ra trong những ngày tới.
Hụt hẫng khi SLS bị hủy phóng, tuy nhiên Kendal Van Dyke, Giám đốc Chương trình Microsoft cho biết việc hoãn phóng tên lửa là rủi ro thường gặp trong những chuyến bay vũ trụ.
"Việc phóng tên lửa không nhằm mục đích làm mọi người kinh ngạc, mà là đưa phần cứng trị giá hàng tỷ USD vào không gian một cách an toàn. Thỉnh thoảng mọi thứ diễn ra suôn sẻ, cũng có lúc ngược lại nhưng không sao", Van Dyke cho biết.
Trong bài phát biểu sau khi SLS bị hoãn phóng, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cam kết sự hỗ trợ của Mỹ cho sứ mệnh Artemis.
"Quá trình đổi mới cần những thời điểm như thế này, khi lần đầu bạn thử nghiệm một thứ gì đó để tập hợp đội ngũ. Sau đó, bạn sẽ tìm ra bước tiếp theo để đạt mục tiêu cuối cùng, với chúng ta là lên Mặt Trăng và chứng tỏ con người có thể sinh sống, làm việc trên đó", bà Harris cho biết.
Artemis I được dời đến khi nào?
Hệ thống Phóng Không gian (Space Launch System - SLS) được lên kế hoạch mang theo tàu vũ trụ Orion lên quỹ đạo Mặt Trăng trong chuyến bay thử nghiệm Artemis I. Nếu thành công, đây là bước khởi đầu cho sứ mệnh đưa con người trở lại Mặt Trăng của NASA sau khi sứ mệnh Apollo kết thúc cách đây nửa thế kỷ.
Chuyến bay Artemis I không có phi hành gia, được phóng nhằm kiểm tra hiệu quả tấm chắn nhiệt trên khoang phi hành đoàn, thử nghiệm công nghệ hỗ trợ bằng giọng nói Callisto trên tàu vũ trụ Orion.
Sự cố xảy ra sáng 29/8 khiến các kỹ sư không thể khắc phục ngay lập tức. Giám đốc hoạt động phóng Charlie Blackwell-Thompson ra hiệu tạm dừng đếm ngược, lúc 8h40 sáng 29/8 (giờ Mỹ).
"Đây là một tên lửa hoàn toàn mới. Nó sẽ không cất cánh đến khi mọi thứ sẵn sàng", Bill Nelson, Giám đốc NASA tuyên bố trong cuộc họp báo chiều cùng ngày.
Theo New York Times, đợt phóng bị hủy bỏ ngày 29/8 tiếp tục gây áp lực lên NASA và đối tác, khi sứ mệnh liên tục đội vốn và chậm tiến độ.
Tên lửa SLS cho chuyến bay Artemis I có thể hoãn ngày phóng sang ngày 2/9, lúc 12h48 (giờ Mỹ), tức 23h48 cùng ngày (giờ Việt Nam) nếu các sự cố được khắc phục kịp thời và không cần kiểm tra nhiên liệu.
Do vị trí thay đổi liên tục của Trái Đất và Mặt Trăng, NASA chỉ còn một cơ hội phóng SLS vào 17h12 ngày 5/9. Nếu không, tên lửa sẽ phải kéo ra khỏi bãi phóng, trở lại cơ sở lắp ráp để bảo dưỡng. Trong trường hợp đó, ngày phóng có thể dời đến cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.
Tuy nhiên, đại diện NASA chưa công bố ngày phóng tiếp theo. Điều quan trọng là giải quyết cẩn thận từng vấn đề phát sinh, không quyết định vội vàng bởi có thể dẫn đến thất bại kinh hoàng.
"Chúng tôi sẽ cho đội ngũ kỹ sư thời gian nghỉ ngơi, sau đó trở lại vào ngày mai (30/8) để đánh giá kinh nghiệm trong buổi phóng hôm nay và đưa ra các lựa chọn. Còn quá sớm để nói chúng là gì", Mike Sarafin, Giám đốc sứ mệnh Artemis cho biết trong buổi họp báo ngày 29/8.