Môi trường công sở không chỉ xoay quanh việc hoàn thành dự án đúng hạn, trò chuyện cùng đồng nghiệp và về nhà. Thực tế, bạn sẽ gặp nhiều vấn đề nan giải hơn.
Chẳng hạn, tại cuộc họp, bạn còn rất nhiều ý kiến cần đóng góp nhưng không biết cách mở lời. Khi bạn phát biểu, chẳng ai thật sự quan tâm.
Trong khi đó, đồng nghiệp lại liên tục được chú ý. Bạn yêu cầu được tăng lương từ lâu, song sếp lại hoàn toàn làm ngơ. Dường như, mọi nỗ lực tại nơi làm việc của bạn không được công nhận.
Dưới đây, Ellevest đưa ra những lời khuyên hữu ích để bạn ứng phó với những tình huống tương tự.
Thể hiện bằng kết quả
Khi thấy rằng đề xuất của mình không được coi trọng, bạn hãy cho đối phương thấy được sự hiệu quả dựa trên những con số, lợi ích thực tế. Bạn sẽ dễ dàng kéo được sự chú ý của mọi người hơn nếu đưa ra được thành quả cụ thể.
Chẳng hạn, thay vì chỉ nói: “Tôi nghĩ đây là một cách hay để tăng lượt tiếp cận cho dự án”, bạn hãy bổ sung: “Tôi đã chạy thử một vài chương trình và nhận thấy nếu tiếp tục, lượng truy cập có thể tăng thêm 6.000 lượt mỗi ngày”.
Trong trường hợp không đưa ra được con số chi tiết nào, bạn hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người thuộc bộ phận liên quan như tài chính hoặc kế toán. Họ có thể giúp bạn đưa đề xuất của mình về dạng có lợi cho công ty. Ví dụ, nhờ kế hoạch của bạn, công ty mang về bao nhiêu tiền hay thu hút được bao nhiêu người tham gia...
Tóm lại, bạn hãy cụ thể hóa ý tưởng của mình cùng thành quả đem lại. Có như vậy, cấp trên mới quyết định để ý và cân nhắc góp ý của bạn.
Tập trung vào luận điểm quan trọng nhất
Với những ai mới nhận việc, cảm thấy lo lắng khi phát biểu tại cuộc họp là một điều bình thường. Tuy nhiên, cảm giác này dễ khiến bạn mất kiểm soát lời nói và trở nên lan man. Tệ hơn, bạn mất đi sự tự tin dù bản thân rất am hiểu về điều sắp bày tỏ.
Vì vậy, bạn nên dành thời gian hít thở sâu trước khi nêu ra quan điểm của mình. Tiếp đó, bạn hãy giữ điềm tĩnh và trình bày ngắn gọn nhất có thể. Một khi bạn đưa hết ý kiến, hãy kết thúc luôn ở đó.
Cuối cùng, hãy tự nhắc bản thân rằng bạn là người hiểu rõ nội dung việc làm của mình hơn bất kỳ ai khác. Ngoài ra, nói trước gương hay luyện tập phản xạ với bạn bè là những phương pháp đáng để tham khảo khác.
Lên tiếng, nhưng cũng lắng nghe
Để được xem trọng, bạn cần nói về những vấn đề được nhiều người quan tâm. Cách tốt nhất để làm được điều này là chú ý lời nói của mọi người. Nếu không, bạn có nguy cơ bỏ lỡ mọi thông tin cần thiết về phần việc của bạn.
Tuy nhiên, bạn nên tránh lắng nghe một cách bị động. Ngôn ngữ và biểu cảm khuôn mặt, đặc biệt của cấp trên cũng là thứ bạn nên lưu tâm. Bạn có thể tìm ra được điều sếp thật sự mong muốn từ ngôn từ và tần suất đề cập một điều gì đó của sếp.
Theo sát ý tưởng
Sau khi thực hiện tất cả các bước trên, nhưng phản hồi bạn nhận về vẫn rất mơ hồ như: “Ý kiến khá tốt” hay “Kế hoạch có tiềm năng”. Đây là dấu hiệu bạn nên tiếp tục bám theo và bổ sung đề xuất của mình.
Bạn có thể bắt đầu bằng câu: “Anh nghĩ kế hoạch này có đem lại hiệu quả không?”. Nếu đối phương trả lời là có, câu hỏi tiếp theo của bạn sẽ là: “Tốt quá! Vậy anh nghĩ cách làm như thế nào có thể giúp ích hơn cho dự án?”.
Ngược lại, nếu người kia trả lời có phần lưỡng lự, bạn hãy cố gắng tìm hiểu xem họ còn vấn đề nào chưa rõ không.
Đánh bại 'hepeats' (định kiến giới)
Từ “hepeating” được giáo sư vật lý Nicole Gugliucci sử dụng lần đầu vào năm 2017 để mô tả tình huống khi một người phụ nữ đưa ra ý tưởng nơi làm việc nhưng bị phớt lờ. Trong khi, cùng một suy nghĩ, nhưng người đàn ông khác trình bày thì lại được ca ngợi.
Để giải quyết vấn đề trên, bạn hãy mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình, đồng thời yêu cầu đối phương nêu sự khác biệt giữa hai đề xuất. Thêm vào đó, việc tìm kiếm sự đồng tình từ những người đồng nghiệp còn lại là giải pháp khôn ngoan.
Thiết lập nhiều mối quan hệ
Về lâu dài, làm quen nhiều người tại nơi làm việc mang lại những lợi ích không ngờ. Bạn có thể kết nối với họ dưới nhiều hình thức khác nhau như làm chung dự án hoặc tham dự một sự kiện nào đó.
Ngoài ra, bạn có thể mời họ uống cà phê hay ăn chung bữa trưa. Ngỏ lời hỏi thăm hay mời ăn uống, đi dạo cũng là những cách hay để trở nên thân thiết hơn với đồng nghiệp và sếp.
Quen biết nhiều người đồng nghĩa với việc bạn có thêm nhiều “đồng minh” - những người thực sự lắng nghe và sẵn sàng hỗ trợ bạn. Khi đó, cơ hội bạn được trọng dụng sẽ tăng cao.
Nói “không” với những việc lặt vặt
Bưng trà, rót nước, dọn dẹp ghi chú hay lên kế hoạch vui chơi nhỏ lẻ là những công việc mất thời gian, song không đem lại nhiều lợi ích rõ rệt.
Nếu bạn không thoải mái với những đầu việc này, hãy thẳng thắn từ chối. Tuy nhiên, bạn hãy mở lời một cách lịch sự và chuyên nghiệp.
Bạn có thể nói: “Xin lỗi sếp, nhưng hiện giờ tôi đang ưu tiên hoàn thành công việc này. Đây là nhiệm vụ quan trọng để đạt được chỉ tiêu của tháng. Vì vậy, tôi không muốn phân tán sự chú ý của mình”.
Chia sẻ với người quản lý
Một người quản lý hay trưởng phòng tốt là người thực sự quan tâm đến nỗ lực của bạn. Họ có thể đưa ra lý do bạn không được trọng dụng hay tiết lộ cho bạn những thay đổi chưa được đề cập của công ty.
Họ cũng sẽ phản hồi mang tính xây dựng về các khía cạnh khác nhau trong công việc bạn đảm đương. Quan trọng hơn, một khi nhận thức được khó khăn bạn mắc phải, họ sẽ cân nhắc và thực thi những thay đổi cần thiết trong văn phòng.
Tuy nhiên, khi biểu hiện tốt nhưng vẫn không nhận về sự tôn trọng tối thiểu, bạn nên cân nhắc chuyển việc. Lúc này, vấn đề đã vượt quá tầm kiểm soát của bạn. Giải pháp hữu hiệu nhất là tìm kiếm một công ty mới, nơi thật sự đánh giá cao đóng góp của bạn.