Khi chọn làm việc tại một doanh nghiệp, ứng viên có xu hướng ưu tiên quan tâm đến tiền lương, cơ hội thăng tiến và các quyền lợi nghỉ phép hàng năm.
Tuy nhiên, một trong những điều quan trọng không kém mà ít người hỏi đến chính là văn hóa doanh nghiệp - môi trường mà chúng ta kết nối, xây dựng mối quan hệ với cấp trên, đồng nghiệp.
Theo Stylist, những người mà bạn làm việc cùng có thường là nhóm bạn sẽ gặp và giao tiếp nhiều nhất. Tuy nhiên, nếu những mối quan hệ đó không tốt đẹp, bạn sẽ có thể bị ảnh hưởng lớn đến sự hài lòng trong công việc và cách nhìn nhận bản thân.
Những người đứng ngoài cuộc vui
Một nghiên cứu vào năm 2018 từ Đại học bang California và Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho thấy cảm giác mất kết nối và cô đơn tại nơi làm việc sẽ gây hại cho hiệu suất làm việc của nhân viên.
Những người bị đồng nghiệp tẩy chay hay bị xem như người ngoài cuộc trong tập thể có thể gặp những chấn thương tâm lý nặng nề.
Abigail Hall, nhà tư vấn, người sáng lập podcast Design & Build Happiness, cho biết có rất nhiều người gặp cảm giác bị cô lập khi là một trong số ít phụ nữ ở nơi làm việc quá đông nam giới.
"Tôi phải bắt chước các đồng nghiệp nam của mình và giảm bớt tính thẩm mỹ để 'hòa nhập' hơn. Tôi muốn chứng minh rằng việc có giới tính, ngoại hình và giọng nói khác không có nghĩa là tôi không biết hoặc không quan tâm đến nghề", cô nói.
Frances Barrett, người sáng lập The Social Brain, công ty quản lý mạng xã hội, cũng đồng ý với quan điểm này.
"Thời điểm làm giám đốc dịch vụ chăm sóc khách hàng của một công ty thời trang, tôi khá nhút nhát. Tôi thường thấy những cuộc đấu tranh chia bè phái giữa đồng nghiệp nhưng tôi chỉ đứng ngoài lề, quan sát từ xa, điều đó khiến tôi cảm thấy mình như một người ngoài cuộc", Barrett chia sẻ.
Nhưng Barrett cho rằng cảm giác như một người ngoài cuộc trong công việc không có nghĩa là nó phản ánh toàn bộ con người bạn, có thể bạn sẽ phù hợp để kết nối và cộng tác với người khác ở môi trường làm việc khác.
Điều gì khiến bạn cảm thấy như đứng ngoài cuộc?
Theo Work To The Wise, khi bạn làm việc cùng một nhóm người nhưng luôn cảm giác mình không phải là một thành viên của tập thể, các cảm giác đơn độc sẽ được bộ não kích hoạt.
Dưới đây là một số dấu hiệu khiến bạn có cảm giác bị tách biệt tại nơi làm việc:
- Thấy đồng nghiệp đi chơi riêng với nhau.
- Không biết chuyện gì đang xảy ra trong khi nhiều người khác đang bàn tán về nó.
- Bạn không được yêu cầu làm việc trong các dự án thú vị.
- Đồng nghiệp nói về những điều họ làm cùng nhau sau giờ làm việc mà không có bạn.
- Bạn không cảm thấy thoải mái ngay cả khi được mời tham gia vào các sự kiện. Cấp trên không chú ý đến bạn.
- Tất cả mọi thứ bạn nói ra đều cảm thấy sai hoặc không được đánh giá cao.
- Bạn thích ở một mình hơn thay vì trò chuyện những chủ đề mình không thể hiểu.
Nên làm thế nào?
Anza Goodbar, huấn luyện viên nghề nghiệp, chuyên gia tư vấn, cho biết hầu hết mọi người sẽ làm việc trung bình 65.000 giờ trong đời. Do đó, việc ở trong một môi trường tích cực, có văn hóa chia sẻ là chìa khóa để có một sự nghiệp thành công.
"Nếu bạn không hài lòng với công việc, bạn sẽ ít có khả năng thể hiện tốt. Điều này cũng khiến bạn giảm đi cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp", cô khẳng định.
Để không phải là người đứng ngoài cuộc tại nơi làm việc, Goodbar tin rằng có rất nhiều cách để giải quyết.
Tìm đồng minh: Để không còn cảm thấy mình bị ruồng bỏ tại nơi làm việc, bạn chỉ cần thiết lập mối quan hệ thân thiết với một người. Bạn không cần phải thích tất cả đồng nghiệp chỉ để trở nên tự tin hơn, bạn chỉ cần bắt đầu từng bước một để giao tiếp tốt hơn.
Theo thời gian, người này sẽ giúp bạn trở nên nổi bật hơn trong nhóm: họ sẽ gọi bạn cùng đi ăn tối với các nhân viên khác, có những cuộc trò chuyện thân mật hơn sau giờ làm việc...
Khéo léo: Thật khó để kết bạn với một đồng nghiệp là đối thủ của bạn trong lĩnh vực chuyên môn. Điều này có thể tạo ra sự căng thẳng và cạnh tranh không cần thiết giữa cả hai. Ngoài ra, các bất đồng sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân của bạn. Hãy khéo léo giao tiếp để hợp tác chuyên nghiệp, tránh việc bạn bị cô lập tại nơi làm việc.
Tập trung vào công việc: Nắm rõ quan điểm "không đi làm để kết bạn". Bạn cần tập trung vào phát triển các kỹ năng và cố đừng phân tâm hay phải gồng mình tìm hiểu về những chủ đề ngoài lề mà bạn không có hứng thú.
Hãy chứng minh bạn có kiến thức để trò chuyện thay vì chỉ tham gia vào những cuộc trò chuyện "ngồi lê đôi mách" tại công sở. Hãy trở thành một nhân viên mà doanh nghiệp không thể thiếu và một đồng nghiệp đáng tin tưởng.