Người nhạy cảm thường bị gắn mác yếu đuối, dễ bị cảm xúc dẫn dắt và khó trụ vững nếu phải làm việc trong môi trường áp lực cao.
Thực tế, nhóm này, đặc biệt là người nhạy cảm mức độ cao (highly sensitive person - HSP) không kém cỏi như đa số vẫn nghĩ.
Theo nhà tâm lý học Elaine Aron, HSP chiếm 15-20% dân số thế giới. Nhờ xử lý các chất hóa học thần kinh như serotonin và dopamine theo cách riêng, họ có một số thế mạnh như tăng khả năng nhận thức, sáng tạo và cẩn thận khi đưa ra quyết định.
Do đó, nếu biết tận dụng thế mạnh của bản thân, họ dễ dàng đạt được nhiều thành tựu và góp mặt vào nhóm dẫn đầu dù đang theo đuổi bất kỳ ngành nghề nào.
Dưới đây là một số lời khuyên giúp những người nhạy cảm chiếm ưu thế tại môi trường công sở, theo Fast Company.
Tập trung vào những điểm dễ bị bỏ qua
Huấn luyện viên điều hành Melody Wilding cho rằng nhóm nhạy cảm cao thường nắm bắt được các chi tiết mà người khác cố tình giấu đi hoặc bỏ sót.
“Hãy áp dụng thế mạnh này vào những cuộc họp. Khi nhận thấy gì đó không ổn, bạn cần mạnh dạn lên tiếng thay vì ngại ngùng.
Phần lớn phát hiện của HSP đều chính xác, hoặc có ý nghĩa chỉnh sửa quan trọng đối với kế hoạch còn lỗ hổng”, Wilding nói.
Để phần trình bày được thuận lợi, bạn nên xem kỹ các tài liệu liên quan đến buổi thảo luận, sau đó đối chiếu với cách diễn giải của người phụ trách.
Đồng thời, đừng quên trao đổi trước với ban tổ chức buổi họp, thường là quản lý trực tiếp hoặc phòng nhân sự. Bởi dù tinh ý phát hiện vấn đề, người nhạy cảm cao độ sẽ chần chừ vì sợ nói sai, bị đám đông đánh giá.
Lúc này, việc thông báo, đăng ký góp ý sẽ tạo động lực, thậm chí là bắt buộc bạn phải “nhập cuộc” thay vì bấm bụng bỏ qua cơ hội.
Kết nối, giải quyết mâu thuẫn
Môi trường làm việc nào cũng cần kiểu nhân viên “chỗ dựa”. Người nhạy cảm thường biết cách lắng nghe và cho đồng nghiệp cảm giác được quan tâm, đặc biệt khi đang trong tình huống khó khăn.
Nhiều nghiên cứu khoa học cho rằng HSP có nhiều tế bào thần kinh phản chiếu tích cực hơn người thường.
Đặc điểm này mang lại cho họ có kỹ năng nắm bắt cảm xúc, suy nghĩ khá nhanh nhạy.
Họ thường đóng vai trò vực dậy tinh thần của một nhóm đã kiệt sức, cũng như điều hướng xung đột trước khi mọi thứ bùng nổ.
Trong nhiều năm hợp tác với các doanh nghiệp, chuyên gia Melody Wilding từng gặp không ít quản lý thành công nhờ có sự nhạy cảm cao hơn mức bình thường. Họ xử lý ổn thỏa nhiều tình huống rối ren, thậm chí tích cực hỗ trợ bộ phận nhân sự giải quyết vấn đề liên quan đến đời sống nhân viên.
“Phong thái tinh tế của nhóm này là mấu chốt để thành công. Họ không hành động lạnh lùng hay quá kỷ luật.
Thay vì vậy, HSP thường tiếp cận mọi thứ một cách nhẹ nhàng, giúp người trong cuộc nhận ra vấn đề, động viên và cùng họ tìm phương án phù hợp hơn. Đó là cách khéo léo để xóa bỏ dần khoảng cách giữa các cá nhân tại văn phòng”, chuyên gia chia sẻ.
Kiểm soát luồng suy nghĩ
Là một HSP, bạn cần nhiều thời gian để nghĩ ngợi, đắn đo hơn các đồng nghiệp khác.
Tệ hơn, bạn thường để bản thân “đi lạc” trong hàng tá dự định mơ hồ.
Lúc này, bạn cần xác định một khung giờ cụ thể trong ngày để thỏa mãn luồng suy nghĩ riêng.
Đồng thời, chúng ta nên tập cách kiểm soát nội tâm, liên tục nhắc nhở bản thân mỗi khi nhận thấy dấu hiệu xao nhãng.
Bạn sẽ không bị chậm lại trong quá trình làm việc cũng như hạn chế ảnh hưởng đến đồng nghiệp hoặc cấp dưới.
Một lời khuyên khác của Wilding là lưu tâm hơn đến hệ thống thần kinh. Nếu tiếp xúc với nhiều nguồn kích thích, dù chủ động hay bị động, bạn khó kiểm soát tốt hành vi, lời nói của mình. Một số trường hợp còn rơi vào trạng thái yếu đuối, suy nghĩ tiêu cực, lo âu quá đà.
“Các HSP cần cân nhắc kỹ trước khi tiêu thụ bất kỳ dạng caffein nào. Trong trường hợp buộc phải uống cà phê, bạn nên ưu tiên loại đã cắt giảm caffein. Ngoài ra, trước khi bước vào cuộc họp quan trọng, hãy duy trì nhịp thở, hoặc tự sáng tạo một ‘nghi thức’ trấn an nhằm giữ mình ổn định trong suốt quá trình”, Wilding nói thêm.
Tin tưởng vào bản thân
Thực tế, nhiều HSP vẫn chưa biết cách phát huy sự nhạy cảm sẵn có của mình. Họ vẫn tin đây là trở ngại, khiến họ thụt lùi và khó được thăng tiến như kỳ vọng.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2020, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, quản lý bản thân, làm việc với mọi người là một số kỹ năng cần có để nhân sự chạm đến thành công trong tương lai.
Đáng nói, đây đều là những thế mạnh điển hình của người có chỉ số nhạy cảm cao. Vì vậy, bạn không cần quá lo lắng nếu cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự.
Quan trọng nhất, hãy tự tin và biến những điều mà mọi người cho là khuyết điểm trở thành thế mạnh cho riêng mình.
“Tóm lại, chúng ta cần nhớ rằng sự nhạy cảm là một món quà. Bằng cách tận dụng mọi đặc điểm riêng, kết hợp với quá trình học hỏi không ngừng, bạn sẽ sớm thành công với sự nghiệp đã chọn”, huấn luyện viên Wilding nói.