Hoàn thành siêu dự án vành đai 4 - vùng thủ đô là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hà Nội trong 5 năm tới. Cùng với đó, thành phố tiếp tục phải giải quyết nhiều vấn đề nan giải trong suốt những năm qua bao gồm ùn tắc, ô nhiễm và ngập úng.
Trao đổi với Zing, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng bày tỏ kỳ vọng về việc vành đai 4 góp phần giải quyết hàng loạt những vấn đề trên, đồng thời mở rộng không gian phát triển cho nhiều huyện ngoại thành cùng các tỉnh lân cận.
"Đây là một dự án rất quan trọng, thành phố còn nhiều việc phải làm", Bí thư Hà Nội nói.
Cơ hội giãn dân, mở ra không gian phát triển
Theo ông Dũng, sau khi hoàn thành cắm mốc chỉ giới đường đỏ vành đai 4, thành phố sẽ ra chính sách giải phóng mặt bằng, chuẩn bị địa điểm tái định cư cho người dân và cải tạo các nghĩa trang để di dời phần mộ.
Trong giải phóng mặt bằng và tái định cư, Hà Nội phân cấp, phân quyền rõ ràng. Với riêng vành đai 4, chủ đầu tư sẽ giao trực tiếp cho quận, huyện thay vì giao cho ban quản lý như trước kia.
Hà Nội lâu nay chủ yếu phát triển theo trục hướng tâm nên có những điểm ùn tắc nặng như Lê Văn Lương.
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Theo Bí thư Hà Nội, thành phố đang dồn lực để thực hiện giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ lập dự án khả thi, sau đó mới thiết kế kỹ thuật và đấu thầu. Dự kiến đến tháng 3/2023, Hà Nội bắt đầu đấu thầu chọn nhà đầu tư cho vành đai 4.
Nói về kỳ vọng cho dự án này, ông Dũng cho biết tuyến đường sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề cho Hà Nội, đặc biệt là ùn tắc.
"Hà Nội lâu nay chủ yếu phát triển theo trục hướng tâm nên có những điểm ùn tắc nặng như Lê Văn Lương. Khi vành đai 4 được mở ra, thành phố sẽ có không gian phát triển và có cơ hội giãn dân ra ngoài", ông Dũng nói. Ông cho rằng khi đó, những vấn đề như ùn tắc, úng ngập, ô nhiễm và quá tải về hạ tầng xã hội mới có cơ hội được giải quyết.
Không chỉ vậy, dự án còn có tiềm năng mở thêm không gian phát triển cho nhiều địa phương lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên… Tương tự, vành đai 4 cũng khai thác tiềm năng ở nhiều quận, huyện ngoại thành.
Nhắc lại câu chuyện Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội hơn 10 năm trước, Bí thư Hà Nội đánh giá sau sáp nhập, phía tây và tây nam của thủ đô vẫn kém phát triển, người dân còn nhiều khó khăn.
Ông dẫn chứng ở khu vực Mỹ Đức, Ứng Hòa, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 53-54 triệu đồng/người/năm, trong khi bình quân chung của Hà Nội đến hết năm 2020 đã là 128 triệu đồng/người/năm. Hai con số này chênh lệch khoảng 1/3.
Từ việc một vùng trũng như Phú Xuyên vốn thiếu hạ tầng và thiếu tính kết nối, Bí thư Hà Nội kỳ vọng đường vành đai 4 cũng sẽ mở ra không gian phát triển cho khu vực này.
Ngoài ra, người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội hy vọng khi xây dựng xong, vành đai 4 sẽ đồng bộ với các hệ thống hạ tầng khác, bao gồm công trình thủy lợi, tiêu úng nước.
Điều này đặc biệt quan trọng với khu vực vùng trũng như Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa vì đây vốn được coi là vùng xanh, vùng nông nghiệp nhưng lại có nghịch lý thiếu nước sản xuất, sinh hoạt.
"Cùng với vành đai 4, thành phố sẽ quy hoạch và đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác để tiến tới một hạ tầng đồng bộ về cả y tế, giáo dục, văn hóa, lịch sử. Những việc này phải được làm song song chứ không chỉ tập trung cho riêng dự án nào", ông Dũng nói.
Tăng diện tích quỹ đất phát triển đô thị
Nói thêm về việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng quỹ đất hai bên dự án, Bí thư Hà Nội cho biết cùng với công tác giải phóng mặt bằng, thành phố cho triển khai quy hoạch hai bên đường. Trong đó, thành phố thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị là "tăng diện tích quỹ đất để phát triển đô thị".
Cùng với đó, Hà Nội điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Vì vậy, quá trình triển khai dự án vành đai 4, địa phương đồng thời làm quy hoạch vùng để khớp nối đồng bộ hệ thống của quận, huyện liên quan.
Cụ thể, Hà Nội chủ trương xây dựng các thành phố trực thuộc ở phía bắc bao gồm Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn và phía tây là khu vực từ Hòa Lạc xuống sân bay Nội Bài để làm khu công nghệ cao.
Do đó, trong tiến trình hình thành vành đai 4, địa phương cần quy hoạch tổng thể để kết nối, liên thông với nhau, đặc biệt về đô thị và cơ sở hạ tầng.
Trong tiến trình hình thành vành đai 4, Hà Nội cần quy hoạch tổng thể để kết nối, liên thông về đô thị và cơ sở hạ tầng.
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng
“Hà Nội cũng nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị là thành phố thuộc thủ đô, tránh tình trạng nhập hành chính 'củ khoai với củ sắn', nhập quận nọ với huyện kia thành một thành phố sẽ tạo ra nhiều bất cập cần xử lý”, ông Dũng nói.
Để tránh tình trạng “chưa có đường đã mọc lên nhiều công trình, dự án”, Bí thư Hà Nội cho biết thành phố đã quán triệt chủ trương này với các quận, huyện, sớm yêu cầu cấm xác nhận giao dịch theo tuyến vành đai 4.
Cũng theo ông Dũng, dự án cần thêm bản quy hoạch tổng thể để phân loại cho từng quỹ đất, trong đó chia chức năng cho từng khu như làm đô thị, dịch vụ công nghiệp, trồng cây xanh… Căn cứ vào quy hoạch này và quy định pháp luật, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà đầu tư cho từng loại.
Hiện, theo quy hoạch bước đầu, dự án vành đai 4 đã có hai tuyến đường song hành với hai làn xe làm bằng ngân sách của địa phương, bắt đầu quy hoạch kết nối. Một số điểm đã sẵn sàng kết nối ở cả Hà Nội và các địa phương lân cận.
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 có chiều dài 112,8 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Với tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, dự án thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập bao gồm: 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư bằng vốn đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành bằng vốn đầu tư công; một dự án thành phần đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.