Bỏ nghề bất động sản để làm Youtuber
Năm 2019, Graham Stephan vẫn làm công việc bán thời gian trong lĩnh vực bất động sản, đồng thời quay video cho kênh YouTube của mình trong căn hộ 60m2 ở Los Angeles.
Sau một thời gian, anh quyết định rời bỏ công việc đại lý bất động sản tại Tập đoàn Oppenheim vì một vài lý do. Đầu tiên, việc chuyển ra khỏi California buộc anh ta phải từ bỏ giấy phép kinh doanh bất động sản của mình. Và quan trọng hơn, anh ấy đã nhận ra rằng thời gian và công sức anh ấy dành cho việc làm Youtuber thu kết quả tốt hơn thời gian anh làm công việc kia.
Vào thời điểm chuyển hướng trở thành Youtuber toàn thời gian vào giữa năm 2020, kênh của Stephan có khoảng 1,5 triệu người đăng ký và lần đầu tiên anh ấy đang trên đà kiếm được 1 triệu USD từ YouTube.
Stephan đã phát triển đến 5 kênh YouTube và 1 postcard. Khối lượng công việc dần nhiều đến mức anh phải thuê thêm hai nhân viên làm thêm. Dần dần, thu nhập từ việc làm Youtuber đã giúp anh thay thế căn hộ nhỏ bé bằng một ngôi nhà rộng 362m2 trị giá 1,4 triệu USD ở Las Vegas.
Sau khi vượt ngưỡng thu nhập hàng năm 1 triệu USD vào năm 2019, anh sở hữu khối tài sản 7,5 triệu USD vào năm 2022. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên từng ngày.
Ngược đời: Triệu phú không thích tiêu tiền
Stephan trở thành triệu phú tự thân ở tuổi 26. Anh chàng cho biết bí kíp cắt giảm chi tiêu của anh rất đơn giản nhưng lại đem đến hiệu quả không ngờ. Đó là anh không chi tiền cho một số thứ mà mọi người tưởng như không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của mình.
Thứ đầu tiên là cà phê. Anh nói: "Tôi nghĩ rằng việc uống hay mua cà phê tại Starbucks hay Coffee Bean hay nhiều cửa hàng khác là hoàn toàn không cần thiết. Chính vì thế, tôi tự pha cà phê ở nhà với giá 20 xu thay vì mua với giá vài USD. Bạn biết đấy, nhiều lần ‘vài USD’ trong thời gian dài sẽ gộp lại thành một khoản tiền đáng kể". Ngoài ra, anh thậm chí còn mua cà phê tại nơi có giá chỉ bằng gần một nửa so với các cửa hàng tạp hóa khác nhưng chất lượng thì tương đương.
Bên cạnh đó, Stephan còn tiết kiệm tiền bằng cách mua sắm tại những cửa hàng hay có khuyến mại và khi đi ăn uống, anh thường chia tiền với bạn gái.
Stephan đã chia sẻ với CNBC thống kê chi tiêu hàng tháng của Stephan như sau:
Nhà ở Las Vegas: 6.448 USD cho tiền thế chấp, thuế tài sản và phí HOA (phí hiệp hội chủ nhà).
• Thực phẩm: 820 bao gồm cả chi tiêu nhà hàng và bữa tối cùng bạn gái
• Xe hơi: 632 USD cho khoản thanh toán Tesla.
• Tiện ích: 570 USD cho hóa đơn gas, điện và internet.
• Tùy ý: 446 USD dùng cho giải trí, công nghệ, hồ bơi, dọn dẹp nhà cửa và phí thẻ tín dụng.
• Bảo hiểm: 437 USD cho bảo hiểm sức khỏe và xe hơi.
• Điện thoại: 50 USD
• Đăng ký: 20 USD cho Spotify và Amazon Prime.
Anh cho biết trong vài năm qua, anh đã học được rằng tiền tiết kiệm đôi khi có giá trị hơn tiền kiếm được. Ngôi sao YouTube tiết kiệm được khoảng 99% thu nhập, vì thu nhập quá cao mà chi ra lại quá thấp.
Stephan thừa nhận mình là người tiết kiệm, nhưng anh cho rằng điều gì phù hợp với anh chưa hẳn đã phù hợp với mọi người. Anh nói thêm: "Muốn trở thành triệu phú, bạn không cần phải tiết kiệm mỗi lần mua hàng. Bạn không cần làm 12 tiếng một ngày nhưng cần suy nghĩ thấu đáo”.
Đừng đợi có tiền mới biết tiết kiệm
Nếu bạn luôn cảm thấy "không tiêu gì mà vẫn hết tiền" thì rất có khả năng bạn... không biết bản thân đã chi tiêu gì thật vì không có một kế hoạch tài chính cá nhân rõ ràng. Ngày này, sự phát triển của xã hội luôn khuyến khích con người mua sắm, chi tiêu ngày càng nhiều.
"Phù thủy tài chính" Suze Orman gợi ý rằng chìa khóa để tự do tài chính trong tương lai là tiết kiệm tiền khi còn trẻ. Nhờ vào lãi kép, bất kỳ tiền lãi nào tích lũy cũng sẽ tự sinh ra tiền lãi tiếp theo.
Theo bà Suze Orman, chỉ vì bạn có thể chi trả cho những thứ đắt tiền hơn không có nghĩa nó là sự lựa chọn tốt nhất. Hay nói cách khác, một xu tiết kiệm được cũng chính là một xu kiếm được. Và những người thành công luôn biết rằng sống trong khả năng là con đường tốt nhất để dẫn tới sự giàu sang bền vững.
Vì vậy, bạn càng bắt đầu sớm, tiền tiết kiệm của bạn sẽ càng tăng. Tuy nhiên trên thực tế, không phải ai cũng bắt đầu tiết kiệm tiền ở độ tuổi 20. Bạn nghĩ rằng "Tôi không cần phải tiết kiệm bởi vì tôi còn trẻ".
Những chiến dịch quảng cáo thường trực khắp nơi, đánh mạnh vào tâm lý người tiêu dùng và thúc giục người ta phải mua ngay món đồ họ thích mà không suy nghĩ hay cân nhắc. Như vậy, chúng ta dường như bị cuốn vào vòng xoáy chi tiêu vô thức, "vung tay quá trán" khi có tiền và khánh kiệt vào cuối tháng.
Có thể rất khó để từ chối những cám dỗ thôi thúc bạn chi nhiều hơn, mua nhiều hơn (trong khi bạn hoàn toàn có đủ khả năng) nhưng nếu để nó trở thành một thói quen thì nó sẽ không bao giờ “buông tha” bạn. Điều trớ trêu đó là chúng ta chẳng bao giờ sử dụng những thứ gì khác ngoài những thứ mình cần.
Theo CNBC, BusinessInsider