Công ty Thực phẩm Bích Chi (BCF) - vừa công bố doanh thu thuần quý II tăng trưởng 23% lên gần 205 tỷ đồng . Trong đó, doanh thu xuất khẩu tăng trưởng 32% đạt 158 tỷ và thị trường trong nước đi ngang quanh 47 tỷ đồng.
Biên lãi gộp tốt hơn cùng kỳ đạt đến 29% cộng thêm một khoản lãi tỷ giá đáng kể giúp lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng vọt 123% lên 37,5 tỷ đồng.
Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty sản xuất thực phẩm thu về gần 400 tỷ đồng (hơn 2 tỷ đồng mỗi ngày), tăng 30% so với nửa đầu năm ngoái và lập con số kỷ lục mới. Chỉ tiêu lãi sau thuế cũng lập đỉnh mới 73 tỷ đồng , cao hơn 91% so với cùng kỳ.
Năm nay Bích Chi đặt mục tiêu 600 tỷ doanh thu và 100 tỷ lợi nhuận trước thuế. Với con số lãi trước thuế 91,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm thì đơn vị này đã hoàn thành hơn 91% kế hoạch lãi cả năm.
Tổng tài sản của doanh nghiệp cuối quý đạt 465 tỷ đồng; trong đó phần lớn là tiền và tiền gửi ngân hàng với giá trị chiếm 167 tỷ đồng, còn lại là hàng tồn kho và tài sản cố định.
Một công ty cùng ngành sản xuất thực phẩm khác là Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) cũng có kết quả đột biến. Doanh thu quý II tăng trưởng 28% đạt mức 119 tỷ đồng.
Nhờ giá vốn tăng chậm nên lãi gộp cao 113% đạt gần 32 tỷ đồng và có thêm lãi tỷ giá hơn 2 tỷ đồng. Do vậy dù một số chi phí gia tăng nhưng công ty vẫn báo lãi 16,5 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả lũy kế từ đầu năm ghi nhận quy mô doanh thu mở rộng 41% lên 247 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng đến 360% đạt hơn 36 tỷ đồng. Đây đều là các con số kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Sa Giang.
Sa Giang đặt kế hoạch khá tham vọng cho năm nay với chỉ tiêu doanh thu tăng gấp rưỡi lên 587 tỷ và lãi sau thuế tăng 89% ở mức 60 tỷ đồng. Như vậy công ty đã hoàn thành 42% mục tiêu doanh số và 61% con số lợi nhuận năm.
Công ty có quy mô tổng tài sản nhỏ hơn đối thủ chính với chỉ gần 250 tỷ đồng. Tuyy nhiên chất lượng nguồn vốn lại ổn định hơn khi có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 100 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ 71 tỷ đồng.
Bích Chi và Sa Giang là những doanh nghiệp đầu ngành của thị trường bánh phồng tôm trong nước cũng như xuất khẩu đều có cơ sở sản xuất chính ở Đồng Tháp. Sản phẩm chủ lực bên cạnh phồng tôm còn có các sản phẩm chế biến khác từ tinh bột như phở, cháo, nui, bánh tráng, bánh kẹo, bột dinh dưỡng...
Hiện nay Bích Chi vẫn thuộc sở hữu của nhóm cổ đông cá nhân là các lãnh đạo của doanh nghiệp, trong khi đó Sa Giang đã được công ty thủy sản Vĩnh Hoàn mua lại 76,7% vốn hồi đầu năm 2021 để gia nhập hệ sinh thái của công ty cá tra đầu ngành này.
Trên thị trường, cổ phiếu BCF của Bích Chi có thanh khoản rất thấp với mức giá hiện 35.800 đồng, tương đương vốn hóa gần 1.000 tỷ đồng. Trong khi SGC của Sa Giang thậm chí còn không có giao dịch kể từ giữa tháng 5 đến nay, vốn hóa doanh nghiệp khoảng 600 tỷ đồng tại thị giá 82.500 đồng.