Biệt thự đắt nhất Việt Nam đang mở bán có giá 700 tỷ đồng.
Năm 2012, Phú Mỹ Hưng gây chú ý trên thị trường địa ốc khi chào bán quần thể biệt thự Chateau với giá đắt nhất lên đến 92 tỷ đồng/căn ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Đây được xem là mức giá kỷ lục cho một sản phẩm nhà ở tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Đến năm 2016, Vinhomes thiết lập kỷ lục mới khi xây hơn 60 căn biệt thự siêu sang, giá từ 90-250 tỷ đồng/căn thuộc khu đô thị Golden River quận 1 (hay còn gọi là Vinhomes Ba Son). Trong các đợt mở bán tiếp theo, giá một số căn biệt thự góc, diện tích 438 m2 tại đây đã chạm mức 400 tỷ đồng. Mức giá này giữ kỷ lục nhiều năm cho đến khi Masterise công bố đầu tư The Rivus với giá thấp nhất 300 tỷ đồng/căn hồi tháng 7/2022.
Biệt thự giá thấp nhất 300 tỷ đồng, cao nhất 700 tỷ đồng/căn
Báo cáo CBRE và DKRA gần đây lần lượt cho thấy giá biệt thự ở TP.HCM đã lên mức cao, có căn lên đến gần 700 tỷ đồng. Dù báo cáo không chỉ rõ mức giá này gắn với dự án cụ thể nào, song theo các thông tin trên thị trường, 700 tỷ đồng là giá của một dinh thự siêu sang thuộc The Rivus - khu dinh thự hàng hiệu Elie Saab nằm trong đại đô thị Vinhomes Grand Park, TP Thủ Đức, TP.HCM. Dự án này do Masterise Homes làm chủ đầu tư.
Phối cảnh The Rivus. Ảnh: Masterise
The Rivus gồm 121 căn dinh thự có diện tích từ 500 đến 1.200 m2, mỗi căn đều có hầm, hồ bơi riêng và chỗ neo đậu du thuyền trước cửa nhà. Theo website chủ đầu tư, dự án có 4 mặt giáp sông, mật độ xây dựng 15%, 85% còn lại dành cho cảnh quan và tiện ích. Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành và bàn giao vào năm 2024.
Nói về dự án này, bài viết đăng trên website chủ đầu tư có đoạn: “Lần đầu tiên tại châu Á, những tài hoa hàng đầu thế giới sẽ mang sự tinh túy và giá trị cao nhất của nghệ thuật để phục vụ cuộc sống của mỗi chủ nhân tinh hoa…Khu dinh thự The Rivus chính là một bản phối nghệ thuật hoàn hảo với 121 dinh thự được “may đo” và hoàn thiện một cách tỉ mỉ, chăm chút dành riêng cho mỗi chủ nhân”.
Dinh thự The Rivus được chủ đầu tư quảng cáo là một bản phối nghệ thuật hoàn hảo. Ảnh: Masterise
Thực tế, Masterise không công khai giá bán chi tiết của từng sản phẩm, đơn vị bán hàng cũng chỉ cho biết mức giá thấp nhất của một căn dinh thự tại đây vào khoảng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, tùy thuộc vào diện tích và vị trí, mỗi dinh thự tại đây có thể được bán ra với giá 300 - 700 tỷ đồng. Mức giá này bỏ xa các sản phẩm biệt thự được cho là hạng sang hay siêu cao cấp xuất hiện trước đó.
Là sản phẩm đặc biệt, không đại diện cho thị trường
Khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường địa ốc trong nước liên tục thiết lập kỷ lục, kỷ lục mới bỏ xa kỷ lục cũ. Trong xu hướng tăng giá đó, việc một căn biệt thự có giá hàng trăm tỷ đồng đã tạo nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có quan điểm cho rằng mức giá này có thể tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản nói chung.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, một dự án hay một sản phẩm có giá hàng trăm tỷ đồng không đại diện cho toàn thị trường và cũng không phản ánh được thị trường bất thường hay không. Ông Hiển nhìn nhận đây là là những bất động sản đặc biệt, phục vụ giới siêu giàu và giá cả rất vô chừng. Muốn đánh giá tổng thể thị trường bất động sản, theo chuyên gia này, cần quan tâm đến những sản phẩm nền tảng như nhà phố, nhà đất thổ cư, chung cư.
“Một sản phẩm không thể nói hết câu chuyện của một thị trường, nhất là khi đó là một dự án đặc biệt, phục vụ một nhóm khách hàng đặc biệt. Chúng ta cần cái cái nhìn rộng hơn để tránh những tác động tiêu cực như vụ đấu giá Thủ Thiêm mới đây - thời điểm mà nhiều người đã xem mức giá sau đấu là mức đại diện cho thị trường", ông Hiển nói.Cũng liên quan đến biệt thự giá 700 tỷ đồng,
Báo Tuổi Trẻ Online mới đây dẫn lời ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, cho biết việc xuất hiện chủng loại sản phẩm cao cấp như vậy mang lại sự đa dạng cho thị trường. Đồng thời, việc các chủ đầu tư sẵn sàng phát triển phân khúc sản phẩm cao cấp cho thấy bản thân hoàn toàn tin tưởng vào nhu cầu của một bộ phận nhóm khách hàng rất đặc thù.
"Việc đưa các tiêu chuẩn phát triển từ các thương hiệu cao cấp quốc tế về Việt Nam giúp mặt bằng chất lượng sản phẩm phần nào được nâng tầm thông qua việc học hỏi các kinh nghiệm phát triển sản phẩm mới", ông Kiệt nói.
Theo ông Kiệt, nhóm sản phẩm này có số lượng rất hạn chế và nhắm vào nhóm khách hàng nhỏ của thị trường nên nó không đại diện chung cho toàn thị trường.
"Việc khách hàng và thị trường chấp nhận nhóm sản phẩm này như thế nào sẽ cần quan sát thêm trong thời gian tới", ông Kiệt nói.