Theo điều tra độc quyền của hãng thông tấn Reuters, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới tiếp tục xử lý các giao dịch của khách hàng tại Iran sau lệnh cấm của chính quyền Mỹ. Thông tin này có thể khiến nhà chức trách Mỹ chú ý và có hành động quyết liệt với Binance.
Từ 2018, Mỹ nối lại lệnh trừng phạt Iran, cấm mọi hoạt động kinh doanh với quốc gia này. Tháng 11/2018, Binance thông báo ngừng cung cấp dịch vụ tại Iran và yêu cầu người dùng tại đây thanh lý tài khoản của họ.
Tuy nhiên, điều tra của Reuters cho thấy điều ngược lại. Người Iran vẫn tiếp tục mua bán tiền mã hóa trên Binance, thậm chí sàn giao dịch còn gợi ý họ sử dụng VPN để qua mặt cơ quan giám sát.
Sự tồn tại của Binance tại Iran
Trả lời phỏng vấn Reuters, 7 nhà giao dịch tiền mã hóa chuyên nghiệp (trader) người Iran khẳng định họ đã lách được lệnh cấm. Những người này tiếp tục dùng tài khoản cũ trên Binance cho đến ít nhất là tháng 9/2021, chỉ mất quyền truy cập khi sàn giao dịch này tăng cường kiểm tra chống rửa tiền cách đây một tháng.
"Có một số lựa chọn thay thế, nhưng không sàn nào tốt bằng Binance. Họ không cần xác minh danh tính, do đó, tất cả chúng tôi đều sử dụng", Asal Alizade, một trader sống tại Tehran cho biết. Người này khẳng định đã dùng Binance suốt 2 năm, cho đến tháng 9/2021.
"Tiền mã hóa là cách tốt để tránh các lệnh trừng phạt và kiếm nhiều tiền", Ali, một nhà giao dịch đồng ý phỏng vấn với điều kiện báo chỉ nêu tên ngắn gọn. Ali đã sử dụng Binance trong khoảng một năm. Trader này cho Reuters xem các tin nhắn với bộ phận dịch vụ khách hàng của Binance khi họ đóng tài khoản của ông vào năm ngoái.
Pooria Fotoohi, sống ở Tehran tự giới thiệu là người điều hành một quỹ đầu cơ tiền mã hóa. Ông sử dụng Binance từ năm 2017 cho đến tháng 9 năm ngoái. Theo Fotoohi, người Iran chọn Binance vì các biện pháp kiểm soát đơn giản. Người dùng có thể mở tài khoản dễ dàng bằng cách cung cấp địa chỉ email.
Ngoài 7 người tham gia phỏng vấn, 11 người Iran khác tuyên bố trên LinkedIn rằng họ tiếp tục giao dịch tiền mã hóa trên sàn Binance sau thời điểm Mỹ đưa ra lệnh cấm.
Dường như nội bộ Binance biết rõ sự tồn tại của các giao dịch ở Iran. Reuters thu thập được 10 tin nhắn qua lại giữa các nhân viên cấp cao của Binance trong giai đoạn 2019-2020. Nội dung cho thấy họ đề cập đến việc thứ hạng người dùng Iran tăng lên cũng như trả lời cho mức độ phổ biến của sàn trên Instagram tại nước này.
CZ gợi ý dùng VPN
Sự tồn tại của Binance tại Iran còn được hỗ trợ bởi VPN (mạng ảo riêng). Người dùng tại quốc gia bị Mỹ cấm vận có thể dễ dàng vượt qua các giới hạn nhờ sử dụng VPN và các công cụ khác để che giấu địa chỉ IP.
Mehdi Qaderi, một nhân viên kinh doanh, cho biết ông sử dụng VPN để giao dịch tiền điện tử trị giá khoảng 4.000 USD trên Binance, tính đến tháng 8/2021.
Changpeng Zhao, người còn được biết với biệt danh CZ, CEO của Binance, đã tweet vào tháng 6/2019 rằng VPN là "một điều cần thiết, không phải tùy chọn". Đến cuối năm 2020 ông xóa bài viết này. Phía công ty không bình luận gì thêm khi được hỏi lại.
Tháng 7/2020, Binance đăng trên trang web bài viết "Hướng dẫn dành cho người mới bắt đầu về VPN". Một trong những mẹo được họ gợi ý là: "Bạn có thể sử dụng VPN để truy cập các trang web bị chặn ở quốc gia của mình".
Nguy cơ của Binance
Binance không trả lời câu hỏi của Reuters về giao dịch tại Iran. Trước đó, vào tháng 3, trong bài viết trên blog, họ tuyên bố sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc trừng phạt quốc tế, dùng các công cụ ở "cấp độ ngân hàng" để ngăn chặn cá nhân hoặc tổ chức bị trừng phạt sử dụng nền tảng của mình.
Theo Reuters, hoạt động của người Iran trên sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới có thể khiến cơ quan quản lý của Mỹ quan tâm.
Công ty mẹ Binance có trụ sở tại Quần đảo Cayman. Họ không cung cấp thông tin chi tiết về pháp nhân đứng sau sàn giao dịch Binance.com, nơi không chấp nhận khách hàng ở Mỹ. Thay vào đó, người Mỹ được hướng đến một sàn giao dịch riêng biệt có tên Binance.US. Tuy nhiên, tất cả đều nằm dưới quyền điều hành của nhà sáng lập Changpeng Zhao.
Theo các chuyên gia pháp lý, cấu trúc này giúp Binance né lệnh trừng phạt trực tiếp của Mỹ, trong đó cấm công ty Mỹ kinh doanh tại Iran. Nhưng Binance có nguy cơ bị chịu lệnh trừng phạt thứ cấp, nhằm ngăn công ty nước ngoài kinh doanh với các thực thể bị trừng phạt hoặc giúp người Iran trốn tránh lệnh cấm vận thương mại của Mỹ.
Ngoài việc gây ra thiệt hại về danh tiếng, các biện pháp trừng phạt thứ cấp cũng có thể chặn quyền truy cập của đối tượng vào hệ thống tài chính Mỹ.
Nguy cơ của Binance sẽ phụ thuộc vào việc các cá nhân, tổ chức bị Mỹ trừng phạt có giao dịch trên sàn này hay không và khách hàng Iran có tránh được cấm vận thông qua kết quả giao dịch trên Binance.