Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp chặt chẽ để triệt khai loạt dự án trọng điểm
Những năm vừa qua, hạ tầng giao thông của tỉnh Bình Dương liên tục được đầu tư phát triển và trở thành một lợi thế so sánh quan trọng của tỉnh trong thu hút đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có trên 7.421km đường giao thông, trong đó, có 3 tuyến quốc lộ gồm 1A, 1K và 13 dài 77km; 14 tuyến đường tỉnh với chiều dài 449km; các tuyến đường huyện và đường đô thị đã nhựa hóa đạt từ 80-94%.
Để phát triển bền vững hơn, Bình Dương đang tập trung nghiên cứu, đầu tư các trục giao thông trọng điểm, huyết mạch của tỉnh và của vùng, nhờ đó, tạo sức bật cho phát triển kinh tế, đáp ứng hai mục tiêu lớn là giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến và chuẩn bị cho phát triển đô thị sắp tới của tỉnh.
Theo đó, tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh chia sẻ tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với dự án Vành đai 4 - TP. Hồ Chí Minh, tổng chiều dài tuyến đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 48,3km, gồm điểm đầu tuyến là cầu Thủ Biên và điểm cuối tuyến là cầu vượt sông Sài Gòn. Trong đó có 22,64km các đoạn tuyến đã đầu tư và còn 25,66km đoạn tuyến chưa đầu tư.
Do đó, tỉnh Bình Dương lên phương án chia hai giai đoạn đầu tư cho đoạn tuyến còn lại. Trong đó, giai đoạn 1 là đầu tư theo phương thức PPP, gồm giải phóng mặt bằng theo lộ giới quy hoạch và đầu tư xây dựng 4 làn xe cao tốc đầy đủ và đường song hành hai bên. Sau đó, giai đoạn đoạn 2 đầu tư hoàn thiện 8 làn xe cao tốc hoàn chỉnh theo quy hoạch.
Các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương gồm: Vành đai 4 - TP. Hồ Chí Minh; dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km thuộc dự án xây dựng Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh; đường sắt Bàu Bàng đến Cảng Cái Mép - Thị Vải và việc thu hồi đất thuộc Ga Sóng Thần để đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh Bình Dương.
Đối với mỗi dự án, tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất về quy mô, phương án phân kỳ đầu tư của các dự án nêu trên; đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh trong quá trình thực hiện các dự án nhằm đảm bảo các quy định hiện hành.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, khẳng định Bình Dương là tỉnh có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
"Đối với dự án Đường Vành đai 4 - TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương giao tỉnh Bình Dương chủ động thực hiện đầu tư đoạn còn lại của tuyến cao tốc Vành đai 4 - TP. Hồ Chí Minh nên mong tỉnh hết sức quan tâm, khẩn trương triển khai, đẩy nhanh tiến độ dự án", Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị.
Thứ trưởng cũng thống nhất với nguyên tắc nối thông toàn bộ các đoạn tuyến của dự án và đề nghị tỉnh rà soát lại quy mô kết nối, đảm bảo tính khả thi của dự án. Bộ Giao thông vận tải sẽ hỗ trợ tỉnh triển khai các dự án, chỉ đạo các đơn vị, các cơ quan tham mưu hỗ trợ tỉnh trong quá trình thực hiện dự án.
Đối với các dự án khác, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng cơ bản thống nhất với các đề xuất của tỉnh và đề nghị tỉnh nghiên cứu, cân nhắc kỹ tính khả thi khi điều chỉnh các đoạn tuyến, nút giao…
Nghiên cứu thêm làn dừng khẩn cấp cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá tỉnh Bình Dương là địa phương năng động, sáng tạo, luôn chủ động nghiên cứu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Đối với dự án đường Vành đai 4 - TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng đồng tình với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bình Dương đồng thời yêu cầu tỉnh lưu ý những ý kiến của Vụ Kế hoạch Đầu tư và Cục Đường cao tốc.
Đối với dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Bộ trưởng thống nhất với phương án tỉnh đề xuất với 4 làn xe cao tốc và đề nghị nghiên cứu thêm làn dừng khẩn cấp.
Được biết, dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng chiều dài 68,7km, bao gồm hai đoạn tuyến với quy mô 6 làn xe chạy suốt và 4 làn xe đô thị hai bên. Dự án được phân kỳ thành 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1, sẽ đầu tư 8,6km cho tuyến nối cao tốc từ nút giao Gò Dưa (Vành đai 2) đến nút giao An Phú (Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh) theo quy mô 10 làn xe, nền đường rộng 64m. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư 61,1km cho tuyến cao tốc từ An Phú đến Quốc lộ 14 (Bình Phước) với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m.
Dự án sẽ được thực hiện theo phương thức PPP, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 24.274 tỷ đồng (chưa tính lãi vay). Trong đó, vốn Nhà nước tham gia 12.137 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư tư nhân là 12.138 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng hoàn thiện trước 2025.
Còn về dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn, Bộ Giao thông vận tải sẽ cử các cơ quan chuyên môn phối hợp với tỉnh cùng triển khai thực hiện về quy mô, phương án đầu tư dự án.
Về các dự án đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cơ bản đồng tình với các phương án của tỉnh đề xuất và giao Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cùng Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án Đường sắt sẽ có buổi làm việc với tỉnh để đưa ra phương án cụ thể.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định Bộ Giao thông vận tải sẽ luôn ủng hộ tỉnh phát huy lợi thế, kết quả các dự án trước đây. Bộ trưởng mong tỉnh sẽ tiếp thu ý kiến các cơ quan tham mưu để xây dựng được các tuyến đường đảm bảo phù hợp, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.