Liên tiếp trong thời gian gần đây, việc giá xăng liên tục tăng và thiết lập đỉnh mới, vượt trên 32 nghìn đồng/lít đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp và đời sống người dân. Trên thị trường, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng đều tăng, hiệu ứng “ăn theo” giá xăng, khiến người tiêu dùng bị ảnh hưởng không ít.
Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bán lẻ, đã rất nỗ lực giữ giá, thậm chí tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng.
Khảo sát một số chợ dân sinh và chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như; lương thực, thực phẩm, rau củ quả trong thời gian qua đều trong tình trạng tăng theo giá xăng. Tại chợ Cống Vị, Ba Đình, chị Nguyễn Thu Hồng (Đội Cấn, Ba Đình) chia sẻ, hiện tại nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng giá từ 10-30% so với tháng trước. Mỗi lần đi chợ, chị cũng cần phải cân đối chi tiêu cho hợp lý bởi thu nhập không tăng mà các loại mặt hàng đều tăng giá. Theo chị Hồng, hiện tại một số loại rau, thực phẩm tại chợ còn đắt hơn cả trong siêu thị.
Trên thực tế, giá xăng không chỉ gây áp lực cho người dân mà cũng đang gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh thương mại của các siêu thị. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều hệ thống siêu thị lớn khẳng định đang đàm phán với nhà cung cấp để giữ giá bình ổn, giữ giá để người tiêu dùng mua hàng hóa với giá tốt nhất có thể...
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị bán lẻ còn chủ động lên các chương trình khuyến mại, giảm giá một số mặt hàng để kích cầu tiêu dùng như: Hệ thống siêu thị WinMart, Co.opmart, Mega Martket…
Theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM (Saigon Co.op), thời gian qua, trước áp lực giá xăng dầu tăng, các hệ thống siêu thị đã tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá hàng hóa nhằm giúp người tiêu dùng bớt một phần gánh nặng chi tiêu. Co.opmart và Co.opXtra đang giảm giá nhiều mặt hàng hưởng ứng chương trình Mùa mua sắm 2022.
Theo đó, từ ngày 15/6 đến 15/7/2022, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op thực hiện khuyến mại sâu từ 10% đến mức cao nhất là mua một sản phẩm sẽ được tặng miễn phí một sản phẩm cùng loại. Trong đó, có nhiều loại mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm cho đến các mặt hàng tiêu dùng.
Cụ thể, các mặt hàng thực phẩm tươi sống gồm thịt gia súc và gia cầm các loại có mức giảm từ 15% đến 20% cùng với các sản phẩm tặng kèm: Thịt vai, thịt đùi, sườn non và ba rọi heo các loại... của các nhà cung cấp uy tín như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy. Các sản phẩm hoá mỹ phẩm dùng cho tắm gội, tẩy rửa, chăm sóc răng miệng giảm giá lên đến 55%; một số sản phẩm áp dụng khuyến mại mua một tặng một đến từ các thương hiệu Lix, Truecare, On1, Thale, Aquala, Colgate, Nano Plus, Jordan…
Hiện Saigon Co.op đã rà soát, có kế hoạch từ sớm để chuẩn bị và chủ động phối hợp cùng nhà cung cấp triển khai các giải pháp kéo giãn đà tăng của giá cả hàng hóa, san sẻ một phần áp lực chi tiêu của người tiêu dùng.
Tương tự, tại các cửa hàng của hệ thống siêu thị WinMart và WinMart+ cũng luôn đầy đủ các mặt hàng với giá niêm yết ổn định thời gian qua. WinMart cũng cam kết giữ giá cả bình ổn, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa dẫn tới tăng giá bán. Không chỉ nhiều mặt hàng được bán ưu đãi tại cửa hàng, mà hiện tại, đơn vị đang đẩy mạnh các hoạt động khuyến mại trên ứng ụng VinID khi khách hàng mua online.
Theo đó, trong tháng 6/2022 với chương trình đi chợ WinMart online trên VinID, khách hàng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hấp dẫn lên đến 30%. Trong đó, có gần 1.000 mặt hàng đa dạng từ bơ, sữa, trứng, thịt nguội, xúc xích đến hóa mỹ phẩm, giấy và bông… giảm lên đến 30%. Đặc biệt, từ ngày 15/6/2022, khách hàng chỉ cần nhập mã FREESHIP24 khi thanh toán đơn hàng trên tính năng “VinID giá sốc” sẽ nhận ưu đãi Freeship với hóa đơn từ 189.000 đồng.
Có thể thấy, trước “cơn bão” giá xăng, các doanh nghiệp bán lẻ đã rất nỗ lực cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình bình ổn giá cũng như các chương trình khuyến mại, để hỗ trợ người dân trong việc mua sắm.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, cùng với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 trên địa bàn, người dân Thủ đô đang thích ứng với điều kiện bình thường mới, đẩy mạnh mua sắm tiêu dùng. Chính vì vậy, hoạt động thương mại, dịch vụ thời gian qua cũng tăng theo.
Trong tháng 5/2022 ghi nhận tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội, ước tính đạt 61,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với tháng trước và tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 37,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% và tăng 16%. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 277,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 181,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 65,5% tổng mức và tăng 10,4%.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh dẫn đến việc giá cả hàng hóa không ngừng tăng theo, giải pháp kích cầu quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng hàng hóa và tăng ưu đãi cho khách hàng.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu nội địa, trọng tâm vào các tháng 7 và tháng 11/2022. Theo đó, trong tháng 7 và tháng 11/2022, dự kiến có khoảng 25.000 chương trình khuyến mại.
Đồng thời, thành phố cũng sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp bán lẻ đảm bảo cung cấp đủ lượng các mặt hàng thiết yếu và cố gắng giữ bình ổn giá cả thị trường.