Theo dữ liệu của CoinMarketCap, giá Bitcoin tăng mạnh trong ngày 20/6 (theo giờ Việt Nam) sau đợt bán tháo mạnh vào cuối tuần. Tính đến 17h, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới được giao dịch quanh ngưỡng 20.500 USD /đồng, tăng 8,6% so với 24 giờ trước đó.
Trong 24 giờ qua, giá có lúc rơi xuống mức thấp nhất là 18.261 USD /đồng, và tăng lên ngưỡng cao 20.800 USD /đồng. Cuối tuần trước, đà bán tháo khiến giá Bitcoin giảm mạnh còn 17.601 USD /đồng.
Dù đã phục hồi phần nào, giá Bitcoin vẫn thấp hơn khoảng 70% so với mức cao kỷ lục được thiết lập hồi tháng 11/2021 và giảm 57% trong năm nay.
Hiện tượng "giãy chết"?
Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 - cũng ghi nhận mức tăng trong ngày 6,7% lên 1.126 USD /đồng. Tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa phục hồi 4% lên 902 tỷ USD .
Giá Bitcoin đã lấy lại mốc quan trọng 20.000 USD /đồng. Tuy nhiên, giới quan sát tin rằng đà tăng trưởng của đồng tiền này khó kéo dài.
"Mọi sự chú ý đang dồn vào thị trường tiền mã hóa. Giá Bitcoin đã giảm xuống dưới 18.000 USD /đồng vào cuối tuần, rồi quay đầu vượt ngưỡng 20.000 USD /đồng trong ngày hôm nay", ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích tại Markets.com - bình luận với Zing.
Ông Vijay Ayyar - Phó chủ tịch Phát triển doanh nghiệp và quốc tế tại sàn giao dịch tiền mã hóa Luno - mô tả việc giá Bitcoin bật tăng là hiện tượng "mèo giãy chết" (dead cat bounce).
Các sàn giao dịch tiền mã hóa đang tạm ngừng rút tiền vì lo ngại về vấn đề thanh khoản giữa làn sóng bán tháo. Lãi suất tăng, tâm lý e ngại rủi ro tràn lan khắp mọi thị trường
Ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích tại Markets.com
Đó là sự phục hồi tạm thời của giá trị tài sản từ sự sụt giảm kéo dài hoặc thị trường giá xuống đang tiếp diễn trong chiều hướng giảm. "Đà bán tháo đã quá lớn. Điều đó sẽ dẫn tới một đợt tăng giá", ông giải thích.
"Các sàn giao dịch tiền mã hóa đang tạm ngừng rút tiền vì lo ngại về vấn đề thanh khoản giữa làn sóng bán tháo. Lãi suất tăng, tâm lý e ngại rủi ro tràn lan khắp mọi thị trường. Việc ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất cũng đồng nghĩa với việc dòng tiền chảy vào các tài sản rủi ro như Bitcoin sẽ bị cản trở", ông Wilson tại Markets.com giải thích.
Theo ông, dù sớm hay muộn, những bong bóng đầu cơ sẽ luôn kết thúc. "Ngay cả những nhà đầu tư lâu năm của Bitcoin cũng đang chao đảo", ông Wilson nhận định.
Thị trường tiền mã hóa liên tục gặp trở ngại trong những tuần qua, từ sự sụp đổ của stablecoin Terra và đồng LUNA, đến mối lo ngại đối với các công ty cho vay tiền mã hóa.
Tuần trước, Celsius - công ty có 1,7 triệu khách hàng và quản lý gần 12 tỷ USD tài sản tiền mã hóa - đã tạm dừng cho phép khách hàng rút tiền. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Celsius sẽ vỡ nợ.
Các công ty tiền mã hóa đã sa thải hàng loạt nhân sự khi thị trường suy thoái. Tuần trước, Coinbase - một sàn giao dịch và ví số - cho biết sẽ cắt giảm 18% công việc toàn thời gian. Công ty cho vay BlockFi cũng sa thải 1/5 nhân viên.
Triển vọng u ám
Các yếu tố kinh tế vĩ mô cũng tác động tiêu cực tới thị trường tiền mã hóa. Hôm 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, đưa lãi suất tham chiếu tại Mỹ lên khoảng 1,5-1,75%.
Lạm phát tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 41 năm, kéo tụt niềm tin của người tiêu dùng, buộc FED phải hành động mạnh tay hơn.
Bitcoin và những tài sản rủi ro khác như tiền mã hóa, cổ phiếu tăng trưởng đã hưởng lợi trong 2 năm qua. Đó là giai đoạn FED hạ lãi suất xuống gần 0 và bơm tiền ồ ạt vào thị trường nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ với đại dịch.
Nhưng giờ, việc FED thắt chặt các chính sách tài khóa và tiền tệ khiến những tài sản rủi ro như Bitcoin mất đi sức hút.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thị trường tiền mã hóa đã tạo đáy và bắt đầu bật tăng. "Dường như đây là lúc những đòn bẩy dư thừa bị loại bỏ khỏi hệ thống. Đáy nhờ đó có thể được hình thành", ông Giles Keating - Giám đốc của Bitcoin Suisse - nhận định.
Đòn bẩy là thuật ngữ chỉ các khoản vay mà nhà đầu tư sử dụng để giao dịch. Nhờ đó, nhà đầu tư có thể tăng khả năng tiếp cận các vị thế mua, bán so với số vốn ban đầu bỏ ra.
Nhưng đòn bẩy cũng bị coi là một phương tiện đầu tư rủi ro. Bởi nó yêu cầu các nhà đầu tư đủ vốn để đáp ứng yêu cầu ký quỹ. Nếu không, những vị thế mua và bán của họ sẽ bị tự động thanh lý.
Nếu thị trường lao dốc, những khoản thanh lý tự động có thể tạo ra vòng xoáy kéo tụt giá của tài sản hơn nữa.