Trong ngày 14/4, BTC giảm mạnh về mốc khoảng 62.000 USD, theo dữ liệu của CoinMarketCap. Những ngày trước đó, đồng tiền số lớn nhất thế giới được giao dịch ở khoảng 67.000 USD. Mức sập lớn của Bitcoin diễn ra giữa thời điểm cộng đồng thể hiện sự lạc quan, tin tưởng vào đà tăng giá, với chỉ số cảm xúc ở mức “Tham lam”.
Việc BTC giảm giá mạnh nhanh chóng tác động đến thị trường tương lai (Future Market). Theo dữ liệu của CoinGlass, có khoảng 257.000 nhà giao dịch bị thanh lý khoản đặt lệnh. Tổng giá trị tài sản thất thoát trên các sàn là khoảng 960 triệu USD.
Trong đó, thiệt hại tập trung ở các nhà đầu tư đặt lệnh dự đoán tăng (Long), với tổng thanh lý 770 triệu USD. Lệnh lớn nhất bị “cháy” tài khoản là 8,5 triệu USD, trên sàn Binance. Bitcoin đứng đầu trong những loại tài sản bị thanh lý nhiều nhất. Những vị trí còn lại thuộc về Ethereum, Solana, Dogecoin, BNB…
Hình thức đầu tư trên thị trường tương lai tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là với loại tài sản biến động mạnh như tiền mã hóa. Người tham gia loại hình này thường sử dụng các loại đòn bẩy, với tỷ lệ lớn. Điều này khiến khoản đầu tư dễ dàng bị thanh lý khi giá tài sản biến động. Với các nhà đầu tư mới, chưa nắm rõ quy trình thao tác đặt lệnh, cắt lỗ, có thể dẫn đến thiệt hại khổng lồ.
Theo CoinDesk, thị trường tiền số bị tác động bởi rủi ro xuất hiện trong ngành đầu tư, khi căng thẳng chính trị leo thang. Sự sụt giảm của Bitcoin diễn ra giữa bối cảnh sắc đỏ bao trùm chứng khoán Mỹ. Trái phiếu kho bạc và chỉ số USD (DXY) tăng mạnh khi nhà giao dịch đổ xô mua tài sản này, phòng ngừa rủi ro. Vàng, loại tài sản trú ẩn an toàn đã vượt ngưỡng 2.400 USD. Giá dầu thô cũng tăng hơn 1%.
Các dự báo cho Bitcoin trong ngắn hạn không quá khả quan, khi chỉ số giá tiêu dùng CPI mà FED vừa công bố vẫn ở mức cao. Điều này có thể khiến quá trình giảm lãi suất được điều chỉnh. Đồng thời, biến động chính trị, kinh tế vĩ mô có thể khiến những loại hình đầu tư nhiều rủi ro như tiền mã hóa bị tác động.