CNBC cho biết, theo một thống kê từ Coin Metrics vào thứ Sáu (ngày 8/7), giá đồng Bitcoin đã tăng khoảng 13,63% trong tuần qua kể từ chủ Nhật (ngày 3/7). Đây là tốc độ tăng tuần nhanh nhất tính từ đà sụp đổ vào tháng 10/2021.
Cụ thể, ngày 8/7, giá đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã chạm mốc cao nhất là 22.478,37 USD và thấp nhất ở mốc 21.798,40 USD.
Ông Felix Hartmann, Đối tác quản lý của Quỹ đầu tư tiền mã hóa Hartmann Capital, chia sẻ: “Chúng tôi phải giải quyết rất nhiều vụ phá sản và cả các lệnh dỡ bỏ bắt buộc với những nguyên nhân liên quan đến thanh khoản. Vụ việc của quỹ tiền mã hóa Three Arrows Capital (3AC) cũng là một trong số đó”.
3AC mới đây đã đệ đơn xin phá sản và bị bán giải chấp tài sản sau khi không thể đáp ứng lệnh gọi ký quỹ do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng thanh khoản tiền mã hóa.
Người quản lý của Hartmann cũng nói thêm rằng cuộc khủng hoảng này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến các quỹ nhỏ, nhưng không ảnh hưởng đến các quỹ lớn nữa. “Nếu thị trường tiền mã hóa không có tin xấu hay các vụ vỡ nợ trong tháng tới thì chúng ta có thể hy vọng vào việc giá trị thị trường tăng gấp đôi”, ông Hartmann chia sẻ.
Tuy nhiên, dù thị trường có hồi phục gấp đôi, đồng Bitcoin cũng mới chỉ quay lại mức giá vào tháng 4/2022, vẫn thấp hơn thời điểm cao nhất là tháng 11/2021 với mức giá 68.982,20 USD.
Gritt Trakulhoon, nhà phân tích hàng đầu tại quỹ Titan, cho rằng sự hồi phục này của Bitcoin là một dấu hiệu ngắn hạn “rất cần thiết” sau khi dự án stablecoin (đồng tiền ổn định) terraUSD đã sụp đổ, kéo theo token liên kết LUNA. Ông cho rằng khi giá đồng tiền mã hóa giảm nhanh và mất thanh khoản thì các công ty cho vay sẽ là chủ thể chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Ông Trakulhoon cũng nói thêm, việc Sam Bankman-Fried - giám đốc điều hành của FTX, đồng ý cung cấp các khoản vay cho các công ty tiền mã hóa đang gần như sụp đổ chính là sự “cứu cánh” đối với các nhà đầu tư. Vị giám đốc của FTX thông báo rằng ông vẫn còn “vài tỷ” trong tay để hỗ trợ các công ty đang gặp khó khăn.
Cũng theo nhà phân tích của Titan, nhà đầu tư cần phải theo dõi mức kháng cự 22.500 đến 23.000 USD của Bitcoin. Nếu vượt được mốc kháng cự, đồng Bitcoin có thể tăng vọt lên mức 28.000 USD.
Thêm vào đó, ông Ryan Shea, nhà kinh tế học tại công ty đầu tư tiền mã hóa Trakx, đã đưa ra ý kiến về khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tháng 7. Ông cho rằng việc FED tăng lãi suất kết hợp với việc kinh tế Mỹ hồi phục chậm hơn dự kiến sẽ khiến các nhà đầu tư “thận trọng hơn”.
Ông Shea chia sẻ: “Trên thực tế, các nhà đầu tư đang xem xét các đợt tăng giá của các tài sản đầu tư thay vì kỳ vọng vào khả năng đầu tư của FED. Đây là một kịch bản tích cực đối với tiền mã hóa nói chung và các tài sản rủi ro nói riêng”.