Theo Bloomberg, Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) mới đây đã ủy thác cho bộ phận Cố vấn Thị trường của BlackRock bán lại các danh mục chứng khoán mà cơ quan này tiếp nhận từ 2 ngân hàng Signature và Silicon Valley (SVB).
Cụ thể, công ty sẽ tiến hành bán tổng cộng 114 tỷ USD danh mục chứng khoán của cả 2 ngân hàng, trong đó có 27 tỷ USD thuộc Signature Bank và 87 tỷ USD của SVB. Theo thông tin từ FDIC, các khoản nắm giữ chủ yếu trong danh mục này là chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (trái phiếu).
Được biết, gã khổng lồ quản lý đầu tư BlackRock và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có mối quan hệ khá mật thiết khi có nhiều lãnh đạo tập đoàn này làm cố vấn trong bộ máy của ông Biden.
Trước đây, Giám đốc điều hành đầu tư của BlackRock - ông Brian Deese - thậm chí còn được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia, đóng vai trò là cố vấn hàng đầu của ông Biden về các vấn đề kinh tế. Tổng thống Biden cũng đã mời ông Larry Fink - Giám đốc điều hành hiện tại của BlackRock về làm quản lý tại Bộ Tài chính Mỹ.
Hiện tại, tập đoàn này đang quản lý tổng số tiền 8.600 tỷ USD - nhiều hơn GDP của mọi quốc gia trên thế giới - ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt, tổ chức này còn có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý các khoản nợ phức tạp, và đây có lẽ là lý do khiến Washington phải nhiều lần nhờ đến BlackRock và CEO Larry Fink làm cố vấn trong những thời điểm cần thiết.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ đã trao hợp đồng cho BlackRock quản lý khoản nợ xấu trị giá 130 tỷ USD thuộc sổ sách của Bear Stearns và American International Group. Sau đó, Fed cũng nhờ BlackRock giám sát hoạt động mua bán nợ và các chương trình giúp ổn định nền kinh tế khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020.
Theo Bloomberg, bộ phận Cố vấn Thị trường của BlackRock được thành lập vào năm 2008 để cung cấp lời khuyên cho các chính phủ, ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính. Bên cạnh BlackRock, FDIC còn mời một số tổ chức khác như Houlihan Lokey, Rothschild và Piper Sandler để tư vấn về cách xử lý các vụ đổ vỡ ngân hàng.
Được biết, Signature Bank và SVB là 2 trong số 3 ngân hàng đã sụp đổ vào tháng trước do bị ảnh hưởng bởi những bất ổn ngành ngân hàng, động thái tăng lãi suất và cả việc người dân rút tiền gửi ồ ạt. Sau đó, FDIC đã nhận tiếp quản cả hai ngân hàng này ngay lập tức.
Đối với SVB, ngân hàng này đã được First Citizens đồng ý mua lại. Theo hồ sơ cụ thể, First Citizens sẽ mua lại khoảng 72 tỷ USD tài sản của SVB với mức chiết khấu còn 16,5 tỷ USD.
Còn đối với Signature Bank, FDIC mới đây cũng đã đồng ý cho Flagstar Bank - một chi nhánh của ngân hàng New York Community Bancorp - mua lại một phần tài sản trị giá 2,7 tỷ USD. Theo thỏa thuận, Flagstar Bank sẽ mua lại toàn bộ khoản tiền gửi và một số danh mục cho vay, cũng như tiếp quản toàn bộ 40 chi nhánh của Signature Bank.