Tổng khớp HSX và HNX hôm nay tăng mạnh đột biến lên 14,2k tỷ chưa kể thỏa thuận. Thanh khoản tăng liên tục trong 5 phiên gần nhất và hôm nay bắt đầu đạt đến ngưỡng cảnh báo. Dù tiền vào tiền ra là như nhau, nhưng trong một cao trào đầu cơ ngắn hạn xuất hiện giao dịch đột biến thì nên thận trọng.
Thanh khoản khi đứng riêng rẽ thì không có nhiều giá trị, vì bao nhiêu tiền rút ra cũng là bấy nhiêu tiền đổ vào, nói kiểu gì cũng được. Thanh khoản cần quan sát cùng với hướng đi của giá, vì mỗi lệnh mua bán kết lại là thanh khoản, nhưng bên nào tạo áp lực lớn hơn thì giá sẽ đi theo hướng đó. Nói đơn giản, cách thức tạo ra thanh khoản quan trọng hơn bản thân con số thanh khoản.
Thị trường hôm nay đạt thanh khoản cao, nghĩa là có tiền mới vào và có một lượng lớn được rút ra. Độ rộng khá cân bằng trên thị trường nghĩa là sự phân hóa sức mạnh, chưa bên nào thật sự lấn át.
Dù vậy đó chỉ là những biểu hiện bề nổi, còn cổ phiếu cụ thể là câu chuyện khác. Nhiều mã đã bị xả lớn và giá đảo chiều với biên độ lớn. Trong tình huống như vậy thanh khoản càng lớn càng thể hiện lực xả áp đảo. Ngược lại, có những cổ phiếu vẫn được đẩy giá lên liên tục, nghĩa là tiền đảo vòng chạy vào.
Một lưu ý là những cổ phiếu còn tăng giá và có hướng dao động intraday tích cực theo chiều tăng thì có thanh khoản không lớn. Ngược lại, các mã giao dịch nhiều hầu hết là bị ép giá. Có khả năng là dòng tiền đầu cơ lớn đã chủ động rút đi ở nhiều cổ phiếu, trong khi các mã nhỏ thanh khoản thấp thì chưa bị hiệu ứng đó. Dĩ nhiên việc các tay chơi lớn thay đổi quan điểm luôn đáng lưu tâm hơn các nhà đầu tư nhỏ lẻ giao dịch ở các mã thanh khoản vài tỷ đồng.
Nhịp đầu cơ ngắn vừa rồi ngoài số ít mã tăng vượt trội, đa số chạy được 2-3 vòng T+ và bắt đầu phân hóa, thanh khoản yếu đi do tiền chạy vòng sang các mã khác. Nếu đợt rút vốn này tiếp tục và không còn xoay vòng nữa, khả năng cao là thanh khoản bắt đầu tụt xuống, tùy từng mã có khả năng trụ giá lại khác nhau. Cơ hội điều chỉnh giảm xuất hiện nhiều hơn trong nhóm cổ phiếu đầu cơ. Một vòng T+ nữa tính từ hôm nay có thể bắt đầu phản ánh lên xác suất tăng/giảm ngắn hạn khi hàng về.
Dĩ nhiên kịch bản đẹp là dòng tiền tiếp tục vào mạnh mẽ. Hôm nay đánh dấu giao dịch trên 14k tỷ. Trong 2 tuần trước kỳ nghỉ lễ là giai đoạn tạo nền cho nhịp tăng ngắn hạn này, giao dịch trung bình khoảng 8,6k tỷ/ngày. Như vậy dù thời gian ngắn, tổng giao dịch không cao như trước, nhưng thị trường vẫn đi theo quy luật tích lũy thanh khoản thấp, hút tiền dần chiều tăng và thanh khoản đột biến khi có chốt lời. Kể từ khi thị trường tạo đáy tháng 11 năm ngoái, các nhịp đánh võng ngắn hạn đều khá giống nhau về thanh khoản. Chu kỳ lặp lại này chỉ thay đổi nếu dòng tiền vào thật sự chuyển sang giai đoạn lớn và bền vững.
Vẫn giữ quan điểm rằng thị trường không có gì quá xấu để sụp đổ, nhưng vẫn chưa đủ lực để thoát khỏi giai đoạn đi ngang. Vì thế an toàn nhất vẫn là đánh ngắn dựa trên giả định dao động như vậy. Đến lúc thị trường bùng nổ và có tín hiệu chắc chắn hơn mới phải thay đổi chiến lược. Tóm lại là cứ chốt lời phần trading, còn lại canh mua cổ cơ bản dài hạn.
Thị trường phái sinh hôm nay thể hiện dự phóng cho khả năng cơ sở suy yếu khá rõ. Càng gần ngày đáo hạn mà basis F1 còn chiết khấu rộng hơn 3 phiên trước. Basis trung bình trong phiên khoảng -7,2 điểm. Mức chiết khấu rộng như vậy rất khó chơi, vì rõ ràng cơ sở đang chịu áp lực, nhưng Short tầm này mà chịu vùng đệm rủi ro như vậy thì không nên. F2 thậm chí đang chiết khấu bình quân trong phiên tới 10,3 điểm. VN30 có khả năng vẫn sẽ được neo giữ dao động hẹp vùng cao cho tới ngày đáo hạn phái sinh. Nếu các trụ được nâng đỡ, có thể canh Long ngắn với kỳ vọng basis sẽ co lại. Tuy nhiên phải stoploss rõ ràng.
VN30 chốt hôm nay tại 1070.9. Cản gần nhất ngày mai là 1072; 1077; 1082; 1089; 1094; 1101. Hỗ trợ 1066; 1059; 1056; 1050; 1045; 1039; 1034.