Chưa đầy 2 tuần sau khi Mỹ xảy ra vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell khẳng định rõ ràng rằng lạm phát mới là mối lo ngại hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.
Theo ông, Fed vẫn có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa nếu cần thiết. Trong buổi họp báo diễn ra sau cuộc họp, ông còn cho biết các quan chức Fed không nghĩ là lãi suất sẽ giảm xuống trong năm nay, bất kể diễn biến trên thị trường trái phiếu cho thấy các trader nhận định xác suất xảy ra kịch bản đó đã tăng gấp đôi.
Nước cờ nguy hiểm
Một số chuyên gia phân tích nhận định với những diễn biến này, các quan chức Fed đang đi theo một nước cờ khá nguy hiểm. Họ đặt cược rằng cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng hiện nay có thể khiến nền kinh tế chậm lại nhưng chắc chắn sẽ không biến thành 1 cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng.
Mặc dù vào năm 2007 những người tiền nhiệm đã mắc phải sai lầm tương tự, các nhà quản lý Mỹ vẫn đang đi theo con đường cũ: dựa vào các tiêu chuẩn cao hơn về vốn và thanh khoản, cùng với những biện pháp đối phó mạnh mẽ để xử lý rắc rối.
“Họ nghĩ rằng mình có đầy đủ các công cụ để ngăn chặn khủng hoảng xảy ra trong hệ thống ngân hàng. Nhưng chắc chắn vẫn tồn tại nguy cơ đó là 1 quyết định sai lầm”.
Trong suốt buổi họp báo, ông Powell nhiều lần nhấn mạnh những bất ổn xung quanh hoạt động cho vay của các ngân hàng. Ông cũng chia sẻ những ấn tượng của bản thân về tốc độ chớp nhoáng của các sự kiện vừa diễn ra, với sự việc của SVB diễn biến nhanh đến nỗi các nhà quản lý phải tự hỏi lại “làm sao điều này có thể xảy ra?”
Để ngăn chặn rủi ro lây lan từ cú sập của SVB, Fed đã tuyên bố tình trạng “bất thường” để triển khai kênh cấp thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng. Ông Powell trấn an thị trường rằng những hành động đối phó của cơ quan chức năng cho thấy “tất cả tiền gửi cũng như hệ thống ngân hàng nói chung đều an toàn”.
Bất ngờ vì bà Yellen
Những phát biểu của Chủ tịch Fed đủ sức xoa dịu thị trường. Tuy nhiên, sự phức tạp lại nổi lên và khiến nhà đầu tư bối rối: cùng lúc đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong phiên điều trần trước Thượng viện lại nói rằng các nhà quản lý không có ý định cung cấp bảo hiểm bao trùm mọi loại tiền gửi.
Bình luận của bà Yellen khiến cổ phiếu bị bán tháo, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng. Sau 2 ngày hồi phục, chỉ số KBW Bank quay đầu giảm điểm, cho thấy vẫn còn đó những mối lo ngại lớn về rủi ro tài chính.
Không riêng gì bà Yellen, sau đó ông Powell cũng khiến tâm trạng của nhà đầu tư bấp bênh hơn. “Vẫn có khả năng lạm phát tiếp tục giữ ở mức cao”, ông nói. Trong trường hợp đó Fed có thể tăng lãi suất lên trên mức 5 – 5,25% vốn là ngưỡng mà các quan chức Fed đang ước tính là lãi suất sẽ đạt đỉnh.
Nhưng cũng có khả năng hoạt động cho vay bị co hẹp, khiến tiêu dùng và lực cầu nói chung bị giảm xuống. “Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể ít phải điều chỉnh chính sách tiền tệ hơn”, ông nói.
Tuy nhiên ông Powell đã không đề cập đến kịch bản thứ 3: tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng trong bối cảnh hệ thống tài chính vốn đã rất mong manh. Điều đó sẽ dẫn đến số vụ vỡ nợ tăng mạnh bởi những hộ gia đình có thu nhập ngày càng eo hẹp, kéo theo áp lực đè nặng lên các ngân hàng ngày càng lớn hơn nữa.
“Chúng ta đang ở trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh nhất trong 40 năm. Hiển nhiên khi tiến vào hoàn cảnh đó càng sâu hơn và nhanh hơn, bạn sẽ dần mất đi khả năng kiểm soát tình hình”, James Knightley, chuyên gia kinh tế của ING nhận định.
Mối bận tâm lớn nhất của Fed
Ủy ban thị trường mở liên bang FOMC đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên khoảng 4,75 – 5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2007, khi lãi suất lập đỉnh ngay trước thềm khủng hoảng tài chính.
“Điểm đáng chú ý nhất là ông Powell và FOMC quá thiếu chắc chắn về phạm vi, thời hạn cũng như tác động của việc siết chặt các tiêu chuẩn về hoạt động cho vay của các ngân hàng”, Kathy Bostjancic, chuyên gia kinh tế trưởng tại Nationwide Life Insurance nhận định.
Theo vị chuyên gia, lần tăng này có thể đã bị ảnh hưởng bởi các diễn biến trên thị trường. Ông Powell tiết lộ “trong vài ngày trước cuộc họp” Fed từng cân nhắc tạm ngừng tăng lãi suất. Nhưng cuối cùng thì Fed vẫn tăng lãi suất 25 điểm cơ bản lần thứ 2 liên tiếp, sau một loạt động thái mạnh mẽ hơn được khởi đầu từ tháng 3/2022, khi lãi suất vẫn còn ở gần 0.
Chiến dịch tăng lãi suất là kết quả từ chính những thất bại của Fed trong việc nhận ra và đi trước một bước so với lạm phát. Khi giá cả bắt đầu tăng từ năm 2021, Fed lại cho đó là tạm thời. Cuối cùng thì lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây.
Báo cáo lạm phát của 2 tháng đầu năm 2023 vẫn khá nóng bỏng, với chỉ số CPI tăng lần lượt 6,4% và 6% trong tháng 1 và tháng 2.
Bên cạnh đó thị trường lao động tiếp tục là một nỗi đau đầu. Tổng cộng trong 2 tháng đã có hơn 800.000 việc làm mới được tạo ra.
Bất chấp các bình luận của Fed, diễn biến của thị trường tương lai cho thấy nhà đầu tư vẫn dự báo Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất ngay trong năm nay. Theo họ, nguyên nhân là vì 1 cuộc suy thoái đang đến rất gần.