Ngày 13/10, Bộ Công an thông tin về ý kiến cho rằng những ngày qua tại TP.HCM, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã đóng cửa, treo biển hết hàng hoặc bán hạn chế. Hiện tượng này được cho là do nguồn cung đầu vào bị thiếu hoặc có thể một số cửa hàng găm hàng, chờ xăng lên giá nhằm trục lợi.
Bộ Công an cho biết nếu các cửa hàng kinh doanh có hành vi găm hàng, chờ lên giá để trục lợi, tùy tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân hay pháp nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hành chính, chế tài xử phạt được áp dụng theo Điều 32 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Người dân tại TP.HCM chờ đổ xăng chiều 11/10. Ảnh: Quỳnh Danh.
Cụ thể, các hành vi cắt giảm địa điểm hay phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác trước đó; quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác trước đó; cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó; cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; ngừng bán hàng hóa ra thị trường, thì phạt tiền ở mức 5-30 triệu đồng.
Mức phạt tiền trên cũng được áp dụng với các hành vi không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; mở cửa hàng, đại điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng; găm hàng trong kho vượt quá 150% so với số lượng hàng hóa tồn kho trung bình của 3 tháng liền kề trước đó...
Ngoài ra, hình phạt bổ sung gồm: Tịch thu tang vật; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề 3-6 tháng nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Về chế tài hình sự, Bộ Công an nhấn mạnh theo Khoản 1, Điều 196 Bộ luật Hình sự về tội Đầu cơ, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế, mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính sẽ bị phạt tiền, phạt tù.
Theo đó, phạm tội với hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền tối đa 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người phạm tội với trị giá hàng hóa 3 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính một tỷ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tiền tối đa 5 tỷ đồng hoặc phạt tù ở mức 7-15 năm.
Đối với pháp nhân thương mại mà vi phạm, thì bị phạt tiền tối đa 9 tỷ đồng, bị cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn trong thời hạn 1-3 năm.