Đề xuất này được Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đưa ra khi chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/8.
Đại biểu Hòa phản ánh tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc cá cược qua Internet diễn biến phức tạp khó lường. “Lực lượng công an xử lý nhiều vụ, nhưng không thuyên giảm mà ngày càng tinh vi hơn”, ông Hòa nói và chất vấn Bộ trưởng Công an về nguyên nhân tình trạng này.
Theo vị đại biểu, đã đến lúc cho phép thực hiện Nghị định 06/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế để quản lý chặt chẽ hơn và được thu thuế, hạn chế tình trạng cá cược trên mạng. Ông cũng muốn biết quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an về việc này.
Phá đường dây này, mọc lên đường dây khác
Trả lời câu hỏi của Ủy viên Ủy ban Pháp luật, đại tướng Tô Lâm cho biết vừa qua Bộ Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp đấu tranh trấn áp các tổ chức đánh bạc, đánh bạc trên mạng. Nửa đầu năm 2022, các cơ quan đã khởi tố 100 vụ án, với 600 bị can trong các vụ án đánh bạc và đánh bạc trên mạng. “Nhưng tình hình hiện nay còn rất phức tạp”, ông Lâm nói.
Ông lý giải phần lớn máy chủ đặt tại nước ngoài, nên rất khó xử lý triệt để, triệt phá đường dây này thì nảy sinh đường dây khác. Việc thu thập chứng cứ, củng cố tài liệu xử lý các đối tượng rất khó khăn do độ ẩn danh rất lớn, các đối tượng tận dụng công nghệ trên mạng để thực hiện hành vi phạm tội.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ triển khai giải pháp phòng ngừa đấu tranh với tội phạm tổ chức đánh bạc; nắm tình hình các trang tổ chức đánh bạc, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là đối tượng cầm đầu.
“Bộ Công an sẽ phối hợp với cảnh sát các nước trong việc xử lý đánh bạc và đánh bạc trên mạng, nhất là chia sẻ thông tin, phối hợp xác minh, thu thập chứng cứ, phối hợp điều tra”, đại tướng Tô Lâm khẳng định.
Dùng quyền tranh luận vì Bộ trưởng Công an chưa trả lời hết câu hỏi chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa tiếp tục hỏi về quan điểm của đại tướng Tô Lâm trong việc cho phép cá cược thể thao.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết dù đã có Nghị định 06/2017, các cơ quan chuyên môn, Bộ Tài chính vẫn chưa chọn được đơn vị nào làm đầu mối để làm nghị định về thể thao.
“Còn quan điểm của chúng tôi là đã có Nghị định của Chính phủ thì phải thực hiện. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có doanh nghiệp nào đủ điều kiện làm cá cược thể thao nên chưa triển khai được”, Bộ trưởng Công an trả lời và nói ủng hộ việc này để giảm bớt tình trạng cá cược bất hợp pháp.
Được mời trả lời làm rõ thêm, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Nghị định 06 cho phép thí điểm cá cược thể thao. Đây là lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dù có nghị định, hoạt động này vẫn chưa diễn ra.
Về phía Bộ Văn hóa, ông Hùng cho biết chỉ được giao nhiệm vụ thẩm định chuyên môn, ví dụ thẩm định trường đua có đủ điều kiện không, còn cơ quan được giao chủ trì tổ chức thực hiện là Bộ Tài chính.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin Bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 06 của Chính phủ.
Với đặt cược đua ngựa, năm 2020, Thủ tướng đã cấp phép chủ trương đua ngựa tại trường đua Sóc Sơn, nhưng sau đó triển khai vướng mắc do góp vốn và đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Về cá cược đá bóng quốc tế, theo quy định phải có doanh nghiệp đứng ra nhưng lại vướng quy định Luật Đấu thầu, nên Bộ Tài chính đã xin ý kiến Bộ KH&ĐT và Tư pháp, sau đó Thủ tướng giao sửa nghị định 06. "Chúng tôi đã sửa Nghị định 06 và trình hồi tháng 5", theo ông Phớc.
Cho vay tín dụng đen lên tới hàng nghìn tỷ
Nêu thực trạng tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) chất vấn Bộ Công an về giải pháp.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định 3 năm qua, lực lượng công an phối với các lực lượng liên quan xử lý, giải quyết trấn áp mạnh mẽ nên đã kiềm chế và đẩy lùi được loại tội phạm này, không còn tình trạng phức tạp, công khai, lộng hành như trước đây. Tuy nhiên, tình hình vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là cho vay qua Internet.
“Gần đây, ngành công an triệt phá băng nhóm hoạt động với quy mô lớn, hoạt động ở nhiều tỉnh thành do các đối tượng, thậm chí có cả người nước ngoài tham gia điều hành với quy mô rất lớn, với số tiền cho vay lên tới nghìn tỷ đồng”, theo Bộ trưởng Công an.
Đại tướng Tô Lâm cho biết nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là nhu cầu tín dụng trong nhân dân rất lớn. Việc xử lý tội phạm liên quan đến tín dụng đen cũng gặp khó khăn do một số đối tượng dùng thủ đoạn lách luật nên khó xác định giữa phạm vi dân sự với hình sự. “Nếu không thận trọng, không thể hình sự hóa quan hệ dân sự, không làm tốt sẽ bỏ lọt tội phạm”, tướng Tô Lâm nói.
Ông nêu các giải pháp thời gian tới là tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen”; phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay một cách thuận lợi, không phải đi vay tín dụng đen.
Một trong những biện pháp căn cơ hiện nay, theo Bộ trưởng Công an, là sử dụng căn cước công dân để thực hiện cho vay, giải quyết những vấn đề về tín chấp, thế chấp tài sản, theo đó các tổ chức ngân hàng, tài chính có thể xác định ngay được người vay rất chính xác.