Sáng 21/8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp tục trả lời chất vấn về vấn đề giá điện. Ảnh: Lê Hiếu.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ sự băn khoăn về việc áp dụng biểu giá điện bậc thang hiện nay chưa phù hợp với nhu cầu người dân, nhất là bậc 1 chỉ đến 50 kWh cho điện sinh hoạt. Ngoài ra, việc người dân trả tiền điện phải chịu thêm mức thuế 10% VAT là chưa hợp lý.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến tại nhiều quốc gia, giúp khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Cơ chế này đặc thù hơn so với các ngành khác do càng sản xuất điện thì càng ảnh hưởng đến vấn đề môi trường. Năng lượng cũng là ngành phát thải khá lớn.
Ở Việt Nam, theo Quyết định 28 năm 2014, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân gồm có 6 bậc. Đến nay, thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì sửa đổi, bổ sung Nghị định này.
Tại dự thảo trình Chính phủ, Bộ quyết định điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện từ 6 bậc xuống 5 bậc. Trong đó, ở bậc đầu tiên, nâng 0-50 kWh lên 0-100 kWh nhằm hỗ trợ người nghèo, đồng thời giữ được mức hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn từ ngân sách Nhà nước.
Để xóa dần khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện, tư lệnh ngành công thương cho biết dự thảo lần này sẽ điều chỉnh khung giá của các đối tượng sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt tiệm cận gần hơn.
"Một số ngành sản xuất sẽ được điều chỉnh cho tương xứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ cũng như sinh hoạt để đảm bảo không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện", Bộ trưởng Diên chia sẻ.
Còn vấn đề thuế VAT trong hóa đơn tiền điện, Bộ trưởng Công Thương cho biết đây là quy định của Luật Thuế, được áp dụng cho mọi hàng hóa trong giao dịch. Việc bỏ được sắc thuế này khỏi hóa đơn tiền điện hay không thì cần Bộ Tài chính trả lời rõ ràng hơn.