Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 18/5, Zing đặt câu hỏi liên quan đến đề xuất giảm phí trước bạ với ôtô gỡ khó cho hoạt động sản xuất công nghiệp.
Trả lời, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết từ đầu năm, các doanh nghiệp sản xuất ôtô đang đối mặt với tình trạng hàng tồn kho tăng cao.
"Nguyên nhân tồn kho có nhiều, điển hình như việc khó tiếp cận vay vốn ngân hàng lãi suất tăng cao, tỷ giá lạm phát không ổn định. Bên cạnh đó còn những khó khăn về tài chính", ông nhìn nhận.
Theo ông Thành, các doanh nghiệp và hiệp hội, các tỉnh đặt các nhà máy sản xuất ôtô đã có kiến nghị lên Bộ Công Thương về việc giảm lệ phí trước bạ và một số nghĩa vụ khác. Sau đó, Bộ cũng đã báo cáo Chính phủ giảm thuế trước bạ, xem xét gia hạn chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT.
"Hiện tại, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất. Bộ Công Thương nhận thấy năm 2020-2022 chúng ta đã áp dụng giảm thuế trước bạ, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp giảm giá bán, tiết giảm chi phí một cách rất nỗ lực nhưng vẫn cần thúc đẩy từ các cơ quan chức năng", ông Thành nói.
Nhấn mạnh quan điểm của Bộ Công Thương ủng hộ giảm thuế trước bạ 50%, lãnh đạo Cục công nghiệp cho biết Bộ đề xuất giảm ngay trong năm 2023, thời hạn thuộc thẩm quyền Chính phủ xem xét.
Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, có doanh nghiệp đứng trước sự sống còn. "Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền, thì nhiều doanh nghiệp có thể không giữ ổn định được sản xuất", ông nhận định.
Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương đã đề xuất tiếp tục thực hiện như đã từng thực hiện là đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ. Có ý kiến cho rằng nếu giảm thì ngân sách gặp khó khăn về nguồn thu, tuy nhiên lãnh đạo Bộ Công Thương không đồng tình về ý kiến này.
"Thực tế năm 2021, khi giảm lệ phí trước bạ thì sản xuất kinh doanh được giữ vững và phát triển. Nguồn thu thuế vào ngân sách địa phương không những không giảm mà lại tăng lên. Qua báo cáo của Bộ Tài chính không những giảm mà còn tăng hơn 2.000 tỷ đồng. Do đó Bộ Công Thương tiếp tục ủng hộ việc này", ông Hải nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số ôtô tiếp đà giảm sút trong các tháng đầu năm. Điều này gây lo ngại cho nhiều doanh nghiệp sản xuất. Một số địa phương có thể bị hụt thu ngân sách, lao động mất việc làm.
Theo VAMA, doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 4 chỉ đạt 22.409 xe, gồm xe 15.748 du lịch; 6.487 xe thương mại và 174 xe chuyên dụng. Các phân khúc đều có sự giảm mạnh so với tháng 3 như xe du lịch giảm 27%; xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 51%.
Nếu chỉ tính riêng các thành viên VAMA thì doanh số bán hàng còn giảm mạnh hơn. Cụ thể, chỉ có 20.667 xe các loại được bán ra trong tháng 4/2023, giảm 46% so với tháng 4/2022 và giảm 21% so với tháng 3/2023.
Trong số này, phân khúc xe du lịch chứng kiến việc giảm mạnh nhất trong các phân khúc khi giảm tới 54% so với tháng 4/2022 và giảm 25% so với tháng 3/2023.
Trước đó, trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy cả phía cầu và cung.
Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục chuẩn bị phương án hỗ trợ bổ sung về miễn giảm thuế, phí, lệ phí; nghiên cứu, tính toán phương án giảm thuế trước bạ đối với ôtô; đề xuất xử lý bất cập, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán...