Chiều 12/10, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trọng tâm là cung cấp thông tin về vấn đề xăng dầu. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh hàng loạt cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam khan hiếm nguồn cung, buộc phải tạm ngừng kinh doanh.
Tính đến tối 11/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết có 137/550 cửa hàng tạm hết xăng dầu chủ yếu ở huyện Hóc Môn có 18 cửa hàng; huyện Củ Chi và quận Bình Tân có 16 cửa hàng; TP Thủ Đức có 15 cửa hàng; quận 12, Bình Thạnh có 10 cửa hàng...
Trong thông báo phát đi ngày 10/10, Bộ Công Thương khẳng định hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... không phải phổ biến. "Có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động", cơ quan này dẫn chứng.
Với nhu cầu tiêu dùng cả nước mỗi năm 20,5-21 triệu m3, tấn, hiện nguồn cung từ sản xuất trong nước đáp ứng 70% cầu tiêu dùng cả nước. Do đó, 30% còn lại vẫn phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm từ các nước.
Trong hệ thống phân phối xăng dầu, Việt Nam có 36 doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu, 500 đơn vị phân phối và khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ.
Từ 15h ngày 11/10, cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 560 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, RON 95. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.290 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.000 đồng/lít.
Ở kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng tăng premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức tính giá cơ sở) với xăng RON 92 (xăng nền pha chế E5 RON 92), RON 95 tăng 350 đồng, lên 1.320-1.340 đồng/lít; dầu diesel lên 30 đồng/lít; dầu hỏa và mazut 0 đồng.
Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng với xăng RON 92 (xăng nền để phối trộn E5 RON 92) tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít; RON 95 tăng 70 đồng lên 280 đồng; dầu diesel được tăng lên 240 đồng; dầu hỏa, dầu mazut 0 đồng.