Thông tin về tình hình cung ứng điện và giải pháp trong thời gian tới tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/7, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trong 6 tháng vừa qua, nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân tăng.
Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 6 ước đạt 25,32 tỷ kWh cao hơn 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,09 tỷ kWh, cao hơn 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.
"Trong 4 tháng đầu năm, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện, tuy nhiên do tình hình cung cấp điện từ tháng 5, 6 gặp nhiều khó khăn do nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, tình hình thủy văn không thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp", ông Hải nói.
Cùng với khó khăn trong vận hành sửa chữa các nhà máy điện, Thứ trưởng cho biết Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã phải thực hiện tiết giảm điện, cắt điện một số địa phương phía Bắc.
"Trong 10 ngày cuối tháng 6, mực nước tại các hồ cải thiện, một số tổ máy nhiệt điện có sự cố đã được khắc phục kịp thời thì hệ thống điện miền Bắc cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu phụ tải", lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng đánh giá công tác vận hành hệ thống điện trong tháng 7 còn có nhiều khó khăn, đặc biệt đối với hệ thống điện phía Bắc khi thời tiết được dự báo có thể xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài trong khi mực nước các hồ thủy điện dù cải thiện vẫn ở mức thấp.
Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, yêu cầu EVN cập nhật liên tục diễn biến của hệ thống phụ tải điện đảm bảo vận hành, cung cấp điện an toàn. Đồng thời chủ động xây dựng các kịch bản cung ứng điện...
"Tóm lại phải thực hiện đồng bộ 4 giải pháp là cung cấp đủ nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện, khắc phục nhanh sự cố (nếu có); vận hành hợp lý thủy điện; làm tốt công tác tiết kiệm điện và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn, lưới điện. Chúng tôi cho rằng từ nay đến cuối năm, cơ bản sẽ không thiếu điện để phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên cả nước", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Liên quan đến giá điện mặt trời mái nhà, ông Hải cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà. Hiện nay, theo chủ trương từ nay đến 2030, công suất nguồn điện tăng thêm khoảng 2.600 MW.
Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất với điều kiện giá thành hợp lý, tận dụng nguồn điện sẵn có. Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo về một số chính sách ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà. Trên cơ sở góp ý của các bộ ngành, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Theo số liệu ngày 3/7, công suất đỉnh hệ thống thiết lập ở mức 41.721 MW, phụ tải toàn hệ thống đạt 831,8 triệu kWh tăng 75,6 triệu kWh so với ngày 2/7. Trong đó miền Bắc nhu cầu điện ước khoảng 428,4 triệu kWh, tăng khoảng 6 triệu kWh so với ngày 2/7, miền Trung khoảng 79,1 triệu kWh tăng 5,1 triệu kWh, miền Nam khoảng 323,9 triệu kWh tăng 67,3 triệu kWh so với ngày 2/7.
Trong ngày 3/7, tổng sản lượng huy động từ thủy điện đạt khoảng 225,8 triệu kWh tăng 32 triệu kWh so với ngày 1/7 (miền Bắc là 118,8 triệu kWh tăng 22,1 triệu kWh so với ngày 2/7); Nhiệt điện than huy động 421,4 triệu kWh tăng 20,6 triệu kWh so với ngày 2/7.