Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản đề nghị cục quản lý chuyên ngành, Sở Giao thông vận tải các địa phương và các ban quản lý dự án tăng cường kiểm soát công tác lựa chọn nhà thầu và quản lý thực hiện hợp đồng các dự án xây dựng công trình giao thông.
Giám sát việc huy động máy móc, nhân sự
Về công tác quản lý hợp đồng, Bộ Giao thông vận tải lưu ý về vấn đề huy động nhân lực, máy móc của nhà thầu.
“Các nhà thầu xây lắp phải cung cấp thông tin và đăng ký với chủ đầu tư, tư vấn giám sát về nhân sự, thiết bị, máy thi công huy động đến công trường đảm bảo phù hợp với đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất", Bộ Giao thông vận tải lưu ý.
Việc thay thế nhân sự, thiết bị, máy móc cũng chỉ được thực hiện khi được chủ đầu tư chấp thuận.
Cùng với đó, nhân sự, thiết bị thay thế phải đảm bảo tương đương hoặc tốt hơn nội dung đã đề xuất.
Bộ Giao thông vận tải cũng lưu ý tư vấn giám sát thường xuyên kiểm tra việc huy động, giải thể nhân sự, thiết bị, máy móc thi công của nhà thầu theo từng giai đoạn thi công; đồng thời, đề nghị các nhân sự trong bộ máy quản lý, điều hành công trường của nhà thầu phải có đủ năng lực, kinh nghiệm.
Nhà thầu cũng phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, biện pháp tổ chức thi công, xây dựng tiến độ thi công tổng thể, chi tiết các hạng mục chính trên công trường đảm bảo khoa học, khả thi ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án, gói thầu.
Đối với các đơn vị tư vấn, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu phải quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí đầu tư xây dựng đảm bảo tính đúng, tính đủ, phù hợp với yêu cầu thiết kế, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường và kế hoạch thực hiện dự án.
“Tư vấn giám sát có trách nhiệm huy động, bố trí đầy đủ nhân sự theo quy định của hợp đồng, tổ chức giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của nhà thầu trên công trường; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về những công việc được giao. Chế tài xử phạt để xử lý tư vấn khi vi phạm hợp đồng cũng cần được quy định đầy đủ”, văn bản nêu rõ.
Cấm xé nhỏ gói thầu, đặt yêu cầu bất hợp lý
Nhằm đáp ứng đúng quy định pháp luật về đấu thầu, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu xây dựng hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đảm bảo các tiêu chí đánh giá, xét thầu phù hợp quy định của pháp luật, phù hợp với tính chất, đặc điểm, điều kiện thực tế của gói thầu, dự án, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm, nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu.
Nhân sự được lựa chọn vào tổ chuyên gia đấu thầu phải có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức.
Cùng với đó, việc đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất phải đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch và phải căn cứ theo quy định pháp luật về đấu thầu.
"Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, cần lưu ý phân tích, đánh giá kỹ các giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công, huy động nhân sự, thiết bị, tài chính của nhà thầu đảm bảo thực hiện gói thầu đáp ứng chất lượng, tiến độ", Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.
Các vấn đề về nguồn lực tài chính, cam kết cung cấp tín dụng của ngân hàng, tổ chức tín dụng và việc trùng lặp về nhân sự, máy móc thiết bị khi nhà thầu tham gia nhiều gói thầu cũng cần được rà soát, kiểm tra kỹ.
Đặc việt, "nghiêm cấm các hành vi dàn xếp, thông thầu, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, đặt ra các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp, hạn chế sự tham gia của nhà thầu", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải dự kiến khởi công 27 dự án với khối lượng công việc khổng lồ. Theo đó, 5 dự án quan trọng quốc gia (gồm: dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh) được hối thúc khởi công trước ngày 30/6. Cùng với đó là 1 dự án nhóm A (dự án cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng) và 21 dự án nhóm B, C.