Trả lời Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, Bộ Giao thông vận tải cho biết về công tác chuẩn bị vật liệu xây dựng thông thường và giao mỏ vật liệu cho nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, rút kinh nghiệm từ các dự án cao tốc giai đoạn 2017-2020, ngay từ bước lập dự án đầu tư cao tốc, Bộ chỉ đạo tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá trữ lượng, công suất, chất lượng cũng như cự ly vận chuyển của các mỏ vật liệu đảm bảo yêu cầu để cung cấp cho các dự án.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc và có hướng dẫn các địa phương, đơn vị việc khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án được áp dụng theo cơ chế đặc thù tại các Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội.
Địa phương vẫn chậm cấp phép, nâng công suất mỏ vật liệu
Theo đó, để bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải làm việc trực tiếp với các địa phương và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai cấp mỏ vật liệu xây dựng thông thường.
"Các địa phương có kế hoạch nâng công suất các mỏ đá, cát đang khai thác để bảo đảm nguồn cung theo tiến độ của các dự án; đẩy nhanh thực hiện các thủ tục để giao cho nhà thầu khai thác các mỏ có trong quy hoạch chưa cấp phép khai thác", Bộ Giao thông vận tải đề nghị.
Đến nay, các địa phương như Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa hoàn thành các thủ tục giao một số mỏ vật liệu trực tiếp cho nhà thầu thi công; các địa phương khác đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục giao mỏ vật liệu.
Với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long phân bổ nguồn cát cho 2 dự án Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau với tổng khối lượng trong năm 2023 là 9,1 triệu m3 để đáp ứng kế hoạch triển khai.
Với khối lượng cát đắp còn lại (khoảng 9,0 triệu m3 cho năm 2024), Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với các địa phương để phân bổ, bố trí đủ nguồn vật liệu cát theo tiến độ thi công.
Tuy nhiên, "công tác cấp phép, nâng công suất mỏ còn chậm do các địa phương còn chưa thống nhất trong cách làm", Bộ Giao thông vận tải đánh giá.
Vì vậy, ngày 21/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 573/CĐ-TTg nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải thành lập tổ công tác gồm lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công an và các cơ quan liên quan để kiểm tra, làm việc với các tỉnh, thành phố khu có dự án đi qua để kịp thời xử lý vướng mắc liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Giao thông vận tải vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng vật liệu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sau chuyến công tác dồn dập với các địa phương có dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đi qua vào đầu tháng 7.
"Do khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, giá trị sản lượng sau nửa năm thi công chỉ đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5%. Theo kế hoạch 6 tháng đầu năm phải đạt 10%", Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Dự kiến thí điểm thu phí hoàn vốn với một số cao tốc do nhà nước đầu tư
Về phương án hoàn vốn cho nhà nước đối với các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cho biết trong giai đoạn 2018 - 2021, Bộ nghiên cứu, xây dựng và có nhiều báo cáo đề xuất về các cơ chế, chính sách để thu theo cơ chế phí, cũng như cơ chế thu hồi vốn đối với các tuyến đường bộ cao tốc và đang được Nhà nước đầu tư trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng cơ chế nhà nước thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư.
Bộ Tài chính thực hiện xây dựng hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về nội dung trên, trong đó, báo cáo thực hiện theo 2 cơ chế giá và cơ chế phí.
Tuy nhiên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/3/2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc đề xuất một vấn đề cụ thể, nhạy cảm tác động đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế cần phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, tiếp thu đề xuất về cơ chế thu phí của Bộ Tài chính và các ý kiến tại cuộc họp trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Trước tiến độ hoàn thành các tuyến cao tốc, theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/8/2022, Bộ Tài chính có Tờ trình số 192/TTrBTC báo cáo Chính phủ.
Để đảm bảo tính khả thi và thống nhất, ngày 8/2/2023, Bộ Tài chính chủ trì và mời Bộ Giao thông vận tải tham dự họp bàn về cơ chế thu. Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đề nghị xây dựng phương án báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành cơ chế thí điểm thu tiền sử dụng đường bộ cao tốc trên một số đoạn/tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Bộ Giao thông vận tải cũng từng đưa ra đề xuất 9 tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2025 để thực hiện thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm kể từ thời điểm đoạn, tuyến đường bộ được triển khai thu phí.
Các tuyến cao tốc được chọn bao gồm cao tốc TP.HCM - Trung Lương và 8 đoạn tuyến thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2.
Tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính tại cuộc họp, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xây dựng dự thảo phương án thí điểm, sau khi nhận được ý kiến các bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải thấy rằng rất có căn cứ đề xuất thí điểm.
Vì vậy sau khi tiếp thu, giải trình, Bộ Giao thông vận tải tải đang hoàn thiện lại để án để sớm báo cáo Chính phủ phương án thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư theo cơ chế phí như được Bộ Giao thông vận tải tải kiến nghị trong thời gian qua.
Được biết, tại Điều 43 dự thảo Luật Đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào đầu tháng 7/2023 quy định phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông tính theo số km xe chạy trên tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư và do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án thực hiện đầu tư theo phương thức PPP.
Về mức thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường bộ kiến nghị xác định trên ba nguyên tắc cơ bản: phù hợp với lợi ích của người sử dụng đường cao tốc; được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước nhằm bố trí kinh phí bảo trì dự án và hoàn vốn đầu tư; được tính toán theo từng đoạn/tuyến đường bộ cao tốc cụ thể, đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực.