Đây là những câu hỏi được hơn 30 tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không – du lịch và các chuyên gia nêu tại Hội nghị bàn tròn do Báo Nhân dân và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức chiều 16/12 với chủ đề “Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp: Giải pháp tạo sự bứt phát từ trụ cột Dịch vụ hàng không-Du lịch”.
Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức.
Đà phục hồi kinh tế đến từ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và được hỗ trợ bởi các trụ đỡ nông nghiệp, sự phục hồi nhanh của khu vực sản xuất, chế biến và tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều giữa các lĩnh vực.
“Việt Nam mở cửa trở lại sau Covid-19 rất sớm, từ ngày 15/3/2022 nhưng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, ngành dịch vụ hàng không – du lịch chưa phục hồi như kỳ vọng. Lượng khách quốc tế thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực”, ông Minh nhận định.
Không tận dụng tốt cơ hội mở cửa sau Covid
Theo ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Ban IV, Việt Nam đã rất kỳ vọng về sự bùng nổ lượng khách du lịch quốc tế sau Covid-19 khi Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch mở cửa trở lại đầu tiên trong khu vực. “Song khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng”, ông Bình nói.
11 tháng năm 2022, Việt Nam chỉ đón khoảng 2,95 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn so với chỉ tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế đặt ra và giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019 (mặc dù vẫn tăng hơn 21 lần so với năm 2021 – thời điểm Việt Nam áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19). Trong khi đó, khách du lịch nội địa 11 tháng đạt 95,3 triệu lượt, nhiều hơn 11,3 triệu lượt so với kết quả từng được cho là kỷ lục của năm trước đại dịch 2019.
Ông Chris Farwell, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên minh, đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) nhận định dù Việt Nam là một trong những quốc đi đầu trong khu vực mở cửa trở lại nhưng đáng tiếc Việt Nam đã không tận dụng được lợi thế của người dẫn đầu.
Trong 3 năm trước đại dịch Covid-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch. Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra. Những con số này cho thấy du lịch quốc tế có vai trò rất quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam, góp phần đem lại nguồn thu cho đất nước.
Trong khi đó, dù mở cửa chậm hơn Việt Nam, Thái Lan vẫn kịp đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, mang lại tổng thu từ du khách quốc tế 14 tỷ USD. Hai tháng cuối năm 2022, một số thị trường chính của Thái Lan ở châu Âu đã trở lại đạt gần với mức trước Covid. Trong khi không có thị trường trọng điểm nào của Việt Nam phục hồi đạt mức 50% so với thời điểm trước Covid – 19.
“Chúng ta có thể mừng khi số khách du lịch nội địa đạt trên 100 triệu lượt người, nhưng đóng góp vào doanh thu của du lịch nội địa vẫn không thể bù đắp được với số tiền mất đi do không có khách quốc tế trong tổng thu từ khách du lịch và hàng không”, ông Chris Farwell bày tỏ quan điểm.
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng sự tương phản giữa sự phục hồi rực rỡ của du lịch nội địa với sự tăng trưởng “đì đẹt” của du lịch quốc tế là vấn đề cần được xem xét.
“Bên cạnh đó, cần trả lời được câu hỏi tại sao Thái Lan, Malaysia… đi sau nhưng lại vượt chúng ta trong khi Việt Nam chỉ đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi du lịch châu Á sau Covid-19? Đây là điều cần phải làm rõ và có giải pháp khắc phục sớm bởi du lịch là ngành kinh tế dẫn truyền tới những ngành kinh tế khác”, ông Thiên đánh giá.
Theo ông Đinh Việt Phương, Giám đốc điều hành Hãng hàng không Vietjet, xung đột Nga – Ukraina và chính sách zero Covid tại Trung Quốc khiến thị trường khách quốc tế trọng điểm của Việt Nam giảm mạnh. Nhưng câu hỏi đặt ra là cùng điều kiện như nhau thì các quốc gia khác lại có lượng khách tốt hơn?
Nút thắt visa
Đại diện Vietjet cho biết để bù đắp lượng khách thiếu hụt, Vietjet đã chủ động tiếp cận thị trường Ấn Độ. Dù cầu du lịch từ Ấn Độ rất lớn song khách từ Ấn Độ cũng rất khó vào Việt Nam vì vướng visa, làm hạn chế hiệu quả của đường bay.
Cùng quan điểm, ông Lương Hoài Nam, đại diện doanh nghiệp du lịch cho biết sở dĩ du lịch nội địa phục hồi rực rỡ là bởi du lịch nội địa không có rào cản, được đi lại tự do giữa các địa phương và không có sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia… “Trong khi đó, du lịch quốc tế lại vướng visa và visa”, ông Nam nói.
Lấy dẫn chứng cụ thể từ Thái Lan, ông Nam đánh giá chính sách visa của Việt Nam có sự khác biệt rất lớn về thời gian, thủ tục đặc biệt là thủ tục cấp online và số lượng quốc gia được miễn thị thực.
Tại thời điểm mở cửa với khách quốc tế, Việt Nam vẫn chỉ miễn visa cho 24 quốc gia với thời gian là 15 ngày. Chính sách này gần như không có sự thay đổi trong suốt 8 tháng qua. Trong khi đó, Thái Lan đã 7 lần thay đổi chính sách visa kể từ khi mở cửa, đang miễn thị thực đối với công dân của 65 quốc gia và thời gian miễn thị thực được kéo dài từ 30 ngày đến 45 ngày và trong một số trường hợp là 90 ngày. So với Thái Lan, Việt Nam không đưa ra bất kỳ chính sách nới lỏng nào về yêu cầu đi lại dù điều kiện dịch bệnh đã rất khác biệt.
Theo đó, ông Nam đề nghị cân nhắc nâng số quốc gia được miễn visa ngang bằng với Thái Lan và mở rộng thời hạn visa để tăng sự hấp dẫn của điểm đến Việt Nam.
“Các doanh nghiệp cùng TAB đã rất nhiều lần thảo luận với cơ quan chức năng để mở rộng danh sách quốc gia miễn visa, kéo dài thời hạn visa… nhằm thúc đẩy du lịch. Lần này, vấn đề cần phải được xử lý dứt điểm nếu không du lịch sẽ vẫn vướng vì rào cản và nền kinh tế sẽ mất nguồn thu lớn”, ông Nam bày tỏ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp do nhiều tiểu ngành cấu thành. Vì vậy, ngoài visa, cần tháo gỡ những khó khăn liên quan khác để vực dậy thị trường du lịch quốc tế.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký TAB kiến nghị nhanh chóng dỡ bỏ quy định phải mua bảo hiểm Covid-19 khi tới Việt Nam bởi đây là quy định không hợp lý ở thời điểm này khi dịch Covid-19 đã khác biệt và nhiều quốc gia đã dỡ dở quy định này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng doanh nghiệp hàng không – du lịch như người mới ốm dậy sau Covid-19, cần phải triển khai hiệu quả cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt là dòng tiền để duy trì hoạt động và phát triển sản phẩm mới phù hợp với bối cảnh mới.
“Đặc biệt cần có cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp hàng không – du lịch để nhận diện đúng vấn đề, từ đó đưa ra các giải pháp thật mạnh vực dậy ngành du lịch”, ông Kỳ đề xuất.