Tại họp báo thông tin về Kết quả công tác năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 30/12, vấn đề nhập lậu trâu bò lậu được các phóng viên báo chí đặt ra với lãnh đạo Bộ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y - cho biết, thời gian qua, việc kiểm dịch nhập trâu bò qua biên giới được thực hiện theo Luật Thú y kèm hiệp định thương mại Việt - Lào.
Để ngăn chặn nhập lậu trái phép, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng quyết định phê duyệt chương trình quốc gia về lở mồm long móng. Trong năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng ban hành 2 chỉ thị liên quan tới việc kiểm soát gia súc nhập khẩu.
Đồng thời, nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo quán triệt toàn bộ hệ thống thú y kiểm dịch theo đúng quy định, chỉ đạo địa phương kiểm soát buôn bán trái phép.
‘Khi truyền thông phản ánh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi từng Chi Cục Thú y ở địa phương thực hiện kiểm soát, đồng thời Bộ có văn bản gửi cơ quan thú y các nước đề nghị Lào, Campuchia, Thái lan báo cáo tình hình dịch bệnh, kiểm soát chất cấm dùng chăn nuôi’, Cục trưởng Cục Thú y cho hay.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Long cho biết cuối tháng 11 vừa qua, Cục Thú y cũng tổ chức đoàn sang Thái Lan đánh giá tình hình thực tế về dịch bệnh để tìm phương án giải quyết. Đồng thời, Cục Thú y chỉ đạo Chi Cục Thú y vùng 3 không thực hiện kiểm dịch khi chưa có văn bản của Cục Thú y. ‘Hiện nay, Cục Thú y cũng phối hợp với cơ quan công an thành lập chuyên án xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm’, ông Long cho biết.
Đặc biệt, Cục Thú y đã có văn bản gửi thông báo tới cơ quan thú y thẩm quyền 3 nước. Cục Thú y không ban hành văn bản hướng dẫn kiểm dịch nhập khẩu. Chỉ đạo Chi cục thú y vùng 3 không thực hiện việc kiểm dịch nhập khẩu khi chưa có chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và của Cục Thú y. Thông báo cho phía cơ quan chức năng 3 nước là Lào, Campuchia, Thái Lan. Nếu 3 quốc gia trên không đáp ứng được yêu cầu về phòng chống dịch thì đầu năm 2023, Cục sẽ báo cáo tham mưu lãnh đạo Bộ quyết định dừng nhập khẩu trau bò từ 3 quốc gia này theo đúng yêu cầu của Luật Thú y.
Đồng thời, Cục Thú y cũng lấy mẫu của đối tượng nghi nhập khẩu tại các lò mổ trên địa bàn Hà Nội, cung cấp 5.000 kit test nhanh để giám sát nhanh chất cấm tại các cơ sở giết mổ trên toàn quốc.
Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ quán triệt toàn bộ hệ thống thú y trong việc giám sát chặt kiểm tra, đồng thời có văn bản gửi tới Lào, Campuchia, Thái Lan để phối hợp kiểm soát nếu không chấm dứt tình trạng này sẽ dừng nhập.
Trước đó, Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam đã gửi công văn đề nghị cơ quan chức năng kiểm soát nhập lậu gia súc. Cụ thể, trong công văn số 135/CV-HHGSL ngày 7/12/2022 do PGS.TS Hoàng Kim Giao – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn gửi Cục Thú y và Chăn nuôi nêu rõ, chăn nuôi gia súc nhai lại đặc biệt là chăn nuôi bò ở nước ta đang được nhà nước ưu tiên, khuyến khích đầu tư phát triển. Hiện nay nguồn cung thịt bò trong nước mới chỉ đáp ứng được 40 - 45% nhu cầu tiêu thụ, phần lớn còn lại phải nhập khẩu (chính ngạch) từ bên ngoài.
Theo phản ánh của một số phương tiện truyền thông, thời gian qua tại một số địa phương xảy ra tình trạng nhập khẩu bò sống chưa có kiểm soát và kiểm dịch. Trâu bò này khi được đưa vào giết thịt cung cấp ra thị trường sẽ nảy sinh vấn đề về chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.
Mặt khác, chính lượng trâu bò nhập khẩu không kiểm soát này là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong nước, thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi và công tác phòng chống dịch.
Chính vì vậy, ông Hoàng Kim Giao kiến nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kiểm tra lại thông tin về việc đàn vật nuôi nhập từ nước ngoài vào không được kiểm tra, kiểm dịch, tiêu trùng, khử độc mà vẫn có giấy kiểm dịch.
Đồng thời đề nghị kiểm tra trên toàn quốc về việc có cơ sở nào nuôi bò trước giết mổ cho ăn Salbutamol hoặc các chất cấm khác. Xử lý nghiêm các cơ sở và cá nhân vi phạm luật Chăn nuôi, Luật Thú y cũng như các quy định của pháp luật.