Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Bộ Tài chính cho biết theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế này đối với xăng các loại, không thu thuế đối với dầu. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.
"Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế được thu vào các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm, điều tiết thu nhập. Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần sử dụng tiết kiệm, nên hầu hết quốc gia đều thu thuế này như Pháp, Đức, Anh, Hàn Quốc...", Bộ này cho biết.
Đặc biệt, theo cơ quan quản lý trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với các giải pháp khác thì việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng như hiện nay vẫn là phù hợp, góp phần giảm phát thải.
Trước đó, trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế VAT đối với hồi tháng 10/2022, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội quyết định giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut...
Tuy nhiên khi giải trình, tiếp thu ngân sách năm 2022, dự toán năm 2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng xu hướng giá dầu thô thế giới năm nay thấp hơn so với 2022. Do đó, việc thiết kế cơ chế dự phòng trong điều hành giá xăng dầu trong nước thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng là chưa thực sự cần thiết.
Ngoài ra, năm nay, bên cạnh các biện pháp điều hành thị trường xăng dầu trong nước, vẫn có dư địa sử dụng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này.
Trên cơ sở trả lời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng cho phép dừng xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng với xăng dầu.