Nội dung chính:.
- Mới đây, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã chỉ đạo thanh tra, giám sát thị trường bảo hiểm để ngăn chặn tình trạng nhân viên ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm khi vay vốn.
- Ngân hàng MBBank, VPBank, Techcombank, VIB, TPBank đều thu hàng nghìn tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm trong năm 2022.
Bên cạnh các dịch vụ tài chính truyền thống như huy động vốn, cho vay, kinh doanh ngoại hối,... nhiều ngân hàng đẩy mạnh nguồn thu từ tư vấn và bán bảo hiểm (bancassurance), giúp hoạt động này đóng góp đáng kể vào doanh thu dịch vụ.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, chỉ số ít nhà băng hạch toán chi tiết các khoản mục thu - chi từ hoạt động bảo hiểm. Trong đó, Ngân hàng MBBank tiếp tục dẫn đầu về doanh thu bảo hiểm.
Năm 2022, MBBank ghi nhận doanh thu 10.185 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, tăng hơn 21% so với năm 2021 và chiếm tới 71,5% tổng doanh thu từ mảng dịch vụ. Nhà băng này có doanh thu bảo hiểm lớn nhất hệ thống nhờ sở hữu 2 công ty bảo hiểm: MB Ageas Life và MIC.
Xếp sau MBBank là Ngân hàng VPBank với doanh thu từ hoạt động bảo hiểm năm 2022 đạt hơn 3.350 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2021.
Tháng 8/2022, Ngân hàng VPBank và Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam đã gia hạn Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn từ 15 năm theo lên 19 năm.
Trong số 5 nhà băng được thống kê, TPBank là ngân hàng duy nhất ghi nhận thu nhập từ hoạt động bảo hiểm năm 2022 sụt giảm hơn 8% so với năm 2021, đạt gần 880 tỷ đồng. Trước đó, TPBank đã ký kết hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm độc quyền của SunLife trong 15 năm, bắt đầu từ năm 2020.
Danh sách các ngân hàng đạt doanh thu bảo hiểm lớn nhất năm 2022 thiếu một số ngân hàng thuộc top 10 của năm 2021 như: VietinBank, BIDV, Sacombank, HDBank, OCB do những nhà băng này chưa công bố doanh thu cụ thể trong báo cáo quý IV/2022.
Chấn chỉnh tình trạng ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm
Ngày 15/2/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm, không để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng chèo kéo, gợi ý, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm cùng với các sản phẩm tài chính khác khi vay vốn.
Theo Bộ Tài chính, hoạt động bancassurance chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Hiện nay, hơn 40% số lượng hợp đồng khai thác mới đến từ kênh bancassurance.
Việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng.
"Hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm" - Thông cáo báo chí của Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Nhiều nhà băng để khách hàng tự nguyện nhưng lại kéo dài thời gian xử lý hồ sơ cho đến khi khách hàng chi tiền mua bảo hiểm. Ngoài ra, nhân viên ngân hàng phản ánh áp lực chỉ tiêu doanh số buộc nhân viên tư vấn những sản phẩm không thực sự phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Thông điệp về việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán các sản phẩm bảo hiểm tại ngân hàng có thể khiến các hoạt động này bị siết chặt, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh năm 2023 của các ngân hàng.
Tuy nhiên, thị trường đang phản ứng tương đối “bình tĩnh” trước thông tin này, khi cổ phiếu các ngân hàng kinh doanh bảo hiểm hàng đầu vẫn có những chuỗi tăng/giảm theo xu hướng chung của thị trường trong suốt 1 tuần qua, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành công văn đầu tiên.