Đánh giá cao công tác chỉ đạo và điều hành giá xăng dầu trong nước những tháng đầu năm 2022, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – cho rằng: Diễn biến giá xăng dầu thế giới những tháng đầu năm rất phức tạp do tác động ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine, khiến giá xăng dầu thế giới tăng rất cao. Song với sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã rất nhịp nhàng trong kiểm soát giá xăng dầu, nhờ đó, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới có thời điểm tăng rất cao, nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn được giữ ở mức khá ổn định, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân và kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong nước cho biết họ rơi vào tình trạng thua lỗ. Đã có 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc không tính đúng, tính đủ chi phí trong giá cơ sở, dẫn đến doanh nghiệp phải chịu tình trạng giá mua cao hơn giá bán.
Một số doanh nghiệp cho biết, họ “càng bán càng lỗ” và xin dừng phân phối xăng dầu, "đây là điều đáng lo ngại và cần sớm được giải quyết, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế" - TS Lê Đăng Doanh thông tin.
Trên thực tế, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, từ tháng 2/2022, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, khi mà các chi phí này được áp dụng theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã ban hành từ năm 2014 và không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại. Bên cạnh đó, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, Premium đối với nguồn trong nước và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.
Đến tháng 7/2022, Bộ Công Thương tiếp tục có công văn gửi Bộ Tài chính về công thức giá cơ sở, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, Premium đối với nguồn trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu. Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính căn cứ các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tổng hợp, rà soát, đánh giá từ báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, báo cáo tổng hợp về Premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để thực hiện điều chỉnh, thông báo một số khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thực tế phát sinh và quy định hiện hành.
Mới đây nhất, tháng 8/2022, khi thị trường xăng dầu tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng bán hàng, một số doanh nghiệp đề xuất với Sở Công Thương địa phương về việc tạm dừng kinh doanh do khó khăn về nguồn hàng và không bảo đảm lợi nhuận kinh doanh, Bộ Công Thương đã tiếp tục có ý kiến với Bộ Tài chính về việc điều chỉnh một số khoản chi phí trong giá cơ sở xăng dầu.
Bộ Công Thương nêu rõ, báo cáo tổng hợp về Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng qua rà soát của Bộ Tài chính thực tế đã tăng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới chỉ điều chỉnh đối với mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo thực tế mà chưa điều chỉnh mức Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng theo thực tế rà soát.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu, dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.
Trước thực trạng trên ngày 23/9, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, việc xem xét quyết định các chi phí hợp lý như thế này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính và cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, đơn vị liên quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và quyền lợi của các đối tượng liên quan, các doanh nghiệp liên quan trong kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, ngày 6/10/2022, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức Premium trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10/2022 để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu và giảm thiểu mức tác động vào giá xăng dầu và việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo công văn của Bộ Tài chính gửi Bộ Công Thương vào ngày 7/10/2022 về chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính nêu rõ, “việc tăng giá premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng trong giá cơ sở sẽ tác động làm tăng giá cơ sở, qua đó tác động làm tăng giá xăng dầu trong nước (giả định các yếu tố hình thành giá cơ sở khác không thay đổi). Vì vậy, cần sự chia sẻ trong bối cảnh khó khăn chung giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp”.
Cũng theo Bộ Tài chính, “hiện nay, nhà nước không quy định chiết khấu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, vì yếu tố này phụ thuộc vào cung-cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho xăng dầu của các thương nhân đầu mối và phương thức bán hàng của hai bên”.
Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, không thể để tình trạng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “càng bán càng lỗ”, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính cần sớm điều chỉnh mức premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng theo thực tế rà soát. Nhằm đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, để đạt hiệu quả cho vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần tổ chức một buổi đối thoại giữa các bên liên quan dưới sự tham gia của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Hiệp hội Xăng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, để tháo gỡ dứt điểm vấn đề này. Vì nếu để tình trạng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sự vận hành của nền kinh tế, bởi xăng dầu là hàng hoá thiết yếu tác động mạnh đến hoạt động doanh nghiệp và đời sống người dân.