Vấn đề tự chủ tài chinh của các bệnh viện công phải chăng là nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc khó khăn hiện nay? (Ảnh: Int). |
Đây là vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đặt ra tại Hội nghị “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới được tổ chức tại Bộ Y tế.
Cần công khai giá nhập khẩu
Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, một số bất cập và khó khăn của ngành y tế hiện hữu đã và đang dẫn đến hệ thống y tế khám chữa bệnh thiếu thiết bị vật tư, “chảy máu” nhân lực ngành y… khi các y bác sĩ từ khu vực bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư nhân.
Theo như đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, thực tiễn những khó khăn đang xảy ra tại các bệnh viện, các cơ sở y tế, đó là những bất cập trong đấu thầu mua sắm và liên doanh liên kết. Các loại thuốc hiếm nhập theo hạn ngạch hiện đang không có nguồn cung.
Về đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm… đang bị vướng do yêu cầu phải đầy đủ 3 đặc tố giá thì mới xây dựng kế hoạch mua sắm được.
“Đối với hàng hóa nhập khẩu, bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị công khai thông tin giá nhập khẩu để minh bạch giá các thiết bị y tế, giúp các cơ sở y tế yên tâm xây dựng giá đấu thầu”, TS. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất.
Việc mua sắm hàng hóa, hóa chất, vật tư đều xoay quanh giá, các cơ sở y tế đều vướng. Đại diện bệnh viện cho biết, giá mua sắm trong y tế không nên chọn giá thấp nhất mà cần quy định rõ chọn giá hợp lý nhất phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, từng chuyên khoa…
GS.TS. Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết, trước những khó khăn này, ngành y tế cần giải quyết vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị.
Đặc biệt là vấn đề đang gây khúc mắc hiện nay nhất đó là tự chủ bệnh viện. Thời gian vừa qua, Nhà nước giao cho bệnh viện lo, tự xoay dẫn đến có sai sót. Tự chủ bệnh viện là cần thiết nhưng phải có chế tài quy định.
“Đừng nghĩ rằng tự chủ là khoán đứt cho anh em mà tự chủ là tận dụng tối đa năng lực của bệnh viện, Chính phủ vẫn phải đứng đằng sau hỗ trợ mới được. Như vừa rồi bệnh viện Chợ Rẫy là điển hình, đã rất cố gắng nhưng làm cái gì cũng vướng. Có những chế độ, quy định để phát huy thế mạnh, hỗ trợ cho anh em”, GS.TS. Lê Quang Cường nói.
Cần tính đúng tính đủ
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc của ngành y, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, để giải quyết các vướng mắc trong vấn đề mức thu và chế độ thu trong lĩnh vực dược, ngày 4/8/2022, Bộ Tài chính đã có văn bản số 27754 đề nghị Bộ Y tế đánh giá tình hình và kiến nghị những vướng mắc gửi Bộ Tài chính nhưng đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được văn bản của Bộ Y tế.
Các nội dung đề nghị về việc kết thúc sử dụng tài sản mua sắm liên quan đến liên doanh, liên kết, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trường hợp thứ nhất là không thành lập pháp nhân mới, khi hết thời gian liên doanh liên kết, tài sản của đơn vị nào góp thì đơn vị đó lấy lại. Nếu tài sản chung theo góp vốn thì theo nguyên tắc, được chia theo mức đóng góp.
Trường hợp thứ hai là góp vốn bằng tài sản, khi kết thúc thì xác định tương ứng với tỉ lệ giá trị tài sản và giá trị góp vốn. Những tài sản không phân chia được thì bán theo giá thị trường và thực hiện theo Luật Đấu thầu.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã đề cập đến “chảy máu” nhân lực ngành y từ khu vực công sang khu vực tư, và cho rằng Bộ Y tế cần phải đánh giá lại xem nguyên nhân từ đâu, do thu nhập thấp hay chế độ làm việc, môi trường làm việc… để có những giải pháp thực tế.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công. Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào.
“Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá… ”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đặt vấn đề.
Theo Nghị quyết 33, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ bệnh viện. Hai bệnh viện này có tiếp tục không hay quay trở lại tự chủ một phần?
“Đây là 2 bệnh viện là xương sống của bệnh viện công, của ngành y tế, nếu để các bác sĩ đi sang hệ thống tư nhân thì chúng ta sẽ thất bại, trong khi một trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội chính là y tế”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Ngoài ra, đánh giá sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60, nếu không làm được thì dừng lại.
Vì vậy, Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Y tế phải đánh giá lại và sắp xếp hợp lý. Nếu chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Nhà nước sẽ đầu tư trang thiết bị để phục vụ nhân dân.
“Đây là vấn đề Bộ Y tế cần phải khẳng định sớm, nếu muộn thì sẽ phải mất 3 năm nữa mới làm được, vì hiện nay Bộ Tài chính đang lập ngân sách cho năm 2023, tháng 10 tới sẽ trình Quốc hội. Khi đó, nếu vấn đề này không nằm trong dự toán ngân sách thì phải đến năm 2026 mới có thể bàn lại vấn đề này”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.