Tại Công điện số 57/CĐ – BGTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT gửi Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp; Tổng giám đốc các đơn vị gồm Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tập đoàn CIENCO4, Công ty Đầu tư Núi Hồng, Công ty Xây dựng VINA2, Công ty Phúc Thành Hưng; Giám đốc Ban quản lý dự án 6 yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.
Công điện nêu rõ, trong thời gian vừa qua các đơn vị nói trên đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay sản lượng Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt mới đạt khoảng 59,2% giá trị Hợp đồng, khối lượng còn lại rất lớn (khoảng 40,8%) trong khi thời gian còn lại rất ngắn (6/36 tháng).
Hiện nay, một số hạng mục là đường găng của Dự án, đặc biệt là việc chờ lún trong công tác xử lý nền đất yếu chưa có phương án đáp ứng tiến độ hợp đồng (khoảng 5,7km nền đường chưa hoàn thành đắp gia tải); các hạng mục công trình như: Hầm Thần Vũ, các cầu: Vượt N2, Xuân Dương 1, Xuân Dương 2, Thần Vũ 2, Vượt N5, Vượt QL48E, Nghi Mỹ, Vượt QL46B, Hưng Thắng, Hưng Đức, Vượt QL8A đang bị chậm tiến độ; các hạng mục hoàn thiện như: móng, mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, dải phân cách giữa, hàng rào bảo vệ chưa có kế hoạch triển khai thi công đồng bộ.
Trong thời gian qua, mặc dù lãnh đạo cấp cao của các nhà đầu tư (cũng là các nhà thầu thi công), doanh nghiệp dự án cam kết trước Bộ GTVT sẽ hoàn thành Dự án theo đúng tiến độ Hợp đồng, tuy nhiên với cách thức thực hiện như hiện nay khó đáp ứng hoàn thành theo hợp đồng đã ký (hoàn thành vào tháng 9/2024).
Để đảm bảo hoàn thành Dự án theo đúng tiến độ yêu cầu, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án khẩn trương rà soát năng lực hiện nay của các đơn vị thi công bị chậm, đặc biệt các hạng mục đường găng của Dự án.
Trên cơ sở đó xem xét, điều chuyển khối lượng công việc hoặc xem xét chấm dứt hợp đồng với đơn vị thi công không đáp ứng để lựa chọn bổ sung hoặc thay thế đơn vị khác thực hiện hoàn thành Dự án; đồng thời lập kế hoạch thi công đảm bảo tính liên tục nhằm hoàn thành các hạng mục theo tiến độ cam kết, đặc biệt đối với các hạng mục thuộc đường găng của Dự án do các nhà thầu: Công ty Hòa Hiệp, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, CIENCO4, Công ty Thái Sơn, Công ty 456, Công ty Nam Hải… thực hiện.
Giám đốc Ban quản lý dự án 6 phải trực tiếp và thường xuyên kiểm tra hiện trường, giao ban với nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án và các đơn vị liên quan để kiểm điểm tiến độ, chất lượng của các gói thầu, đảm bảo hoàn thành Dự án theo kế hoạch, chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ GTVT về kết quả thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được Bộ GTVT giao.
“Đối với hạng mục có thời gian hoàn thành dự kiến ngoài hợp đồng cần có giải pháp cụ thể để bù tiến độ chậm. Kết quả báo cáo về Bộ GTVT trong tháng 11/2023 để xem xét họp kiểm điểm tiến độ của Dự án”, Công điện số 57 nêu rõ.
Trước đó, trong quá trình thi công dự án Diễn Châu – Bãi Vọt, tại gói thầu XL01, Km464+760 do Công ty TNHH Đại Hiệp tại TP Vinh thi công trong quá trình gỡ giàn giáo tấm đan của cống hộp, tấm đan bị nghiêng lật úp dẫn đến vụ tai nạn khiến 2 công nhân tử vong. Đây là sự cố nghiêm trọng dẫn đến tai nạn chết người trong quá trình thi công cao tốc.
Cũng tại dự án này, nhà thầu Công ty TNHH Đại Hiệp từng bị Bộ trưởng Bộ GTVT nêu đích danh là 3 nhà thầu yếu kém về năng lực là CTCP 456, CTCP Đầu tư và xây dựng Vina2, Công ty TNHH Đại Hiệp. Bộ cũng yêu cầu loại bỏ các nhà thầu này ra khỏi dự án hoặc cắt giảm khối lượng công việc thi công.
Ngoài ra, ngày 19/5/2023, trong quá trình thi công gói XL2, cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt cũng xảy ra va chạm giữa dầm đang lắp đặt và dầm đã đặt trên nhịp T3 - T4 của cầu Nghi Mỹ làm sập dầm cầu, rất may sự cố không có tai nạn đáng tiếc về người. Được biết gói thầu XL - 02 do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn làm nhà thầu thi công, với giá trị thực hiện 1.289 tỉ đồng.
Trung tuần tháng 11/2023, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã có công điện yêu cầu xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu nhà thầu vi phạm chất lượng, an toàn lao động công trình giao thông.
Bộ trưởng chỉ đạo các chủ đầu tư/ban quản lý dự án (QLDA) tăng cường công tác quản lý để đảm bảo chất lượng công trình, an toàn lao động tại các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời xử lý nghiêm người đứng đầu các Ban QLDA, các nhà thầu giao thông vi phạm chất lượng công trình, an toàn lao động.